Các mã ngân hàng CTG, STB, LPB đến nay đều đã giảm 25 – 30% so với đỉnh hồi tháng 6 và chạm mức thấp nhất trong gần nửa năm trở lại.
Nhóm cổ phiếu “vua” từng được giới phân tích kỳ vọng tích cực nhờ hưởng lợi từ chính sách vĩ mô, triển vọng sáng về kết quả kinh doanh hay những câu chuyện riêng như thoái vốn công ty con, ký kết hợp đồng bancassurance độc quyền.
Sự bùng phát của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề, Chính phủ kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để đồng hành với khách hàng cùng chống chọi và vượt qua đại dịch. Triền vọng của các ngân hàng cũng trở nên kém khả quan hơn và giá cổ phiếu đã được phản ánh ngay sau đó. Theo giới phân tích, trong dài hạn, cổ phiếu ngân hàng vẫn được đánh giá có triển vọng khả quan. Song, ở ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng diễn biến cuối năm tại các cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh.
Kết thúc phiên hôm nay (29/9), cổ phiếu CTG của VietinBank đã giảm 1,8% xuống còn 30.400 đồng/cp, thấp hơn gần 30% so với đỉnh hồi tháng 6. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của cổ phiếu này kể từ ngày 22/4 tới nay (theo giá đã điều chỉnh). Nếu so với thời “hoàng kim” là tháng 5, tháng 6 vừa qua, thanh khoản của cổ phiếu CTG cũng đã sụt giảm đáng kể, khối lượng giao dịch trung bình tụt từ 20 triệu cp/phiên xuống còn chưa đến 10 triệu cp/phiên.
Kết phiên hôm nay, cổ phiếu STB của Sacombank đã giảm 2,8% xuống mức 25.800 đồng/cp, thấp nhất kể từ giữa tháng 5 vừa qua. Nhà đầu tư “đu đỉnh” nếu giữ tới thời điểm này cũng phải lỗ tới gần 25%. Khi đó, đây từng là cổ phiếu “quốc dân” với lượng thanh khoản gần như “khủng” nhất trên thị trường, trung bình mỗi phiên đạt hơn 40 triệu đơn vị. Đến nay, khối lượng giao dịch trung bình một phiên của cổ phiếu này chỉ còn dao động quanh mức 10 – 15 triệu đơn vị.
Cổ phiếu LPB của LienVietPostBank cũng chung cảnh khi chứng kiến giá cổ phiếu xuống thấp nhất trong gần nửa năm và giảm hơn 30% so với đỉnh tháng 5. Thanh khoản theo đó cũng chưa bằng một nửa so với trước đây.
Diễn biến phân hóa của thị trường khiến VN-Index liên tục lên xuống trong biên độ hẹp quanh vùng giá tham chiếu. Trong đó, điểm sáng thị trường là nhóm cổ phiếu phân bón và xi măng đua nhau tăng trần. Việc thị trường trụ vững trong phiên sáng khiến tâm lý nhà đầu tư được cải thiện và giúp cho phiên chiều có sự khởi sắc nhất định. Ngay khi mở cửa, thị trường đã nhanh chóng có được sắc xanh nhưng với diễn biến phân hóa mạnh cùng dòng tiền tham gia khá yếu khiến VN-Index chưa có động lực để bật cao. Chỉ số này đã biến động giằng co nhẹ quanh vùng giá tham chiếu và kết phiên điều chỉnh nhẹ.
Diễn biến của phiên hôm nay được coi là tích cực khi thị trường đón nhận tin xấu gồm GDP quý III giảm sâu so với cùng kỳ, đồng thời thị trường chứng khoán thế giới đêm qua lao dốc do ngại lạm phát trong điều kiện sản xuất đình trệ. Một phiên giảm điểm mạnh đã không xảy ra, tuy nhiên nhìn vào giao dịch có thể thấy sự thận trọng vẫn còn nguyên vẹn từ phiên ngày hôm qua khi tổng giá trị giao dịch tiếp tục giảm sút xuống mức hơn 17.000 tỷ đồng trên HOSE, mức khá thấp kể từ đầu năm. Ngoài một số nhóm ngành vật liệu cơ bản đang có sự khởi sắc thì nhóm ngân hàng đang phát ra những cảnh báo nhất định khi đây chính là nhóm níu kéo sự phục hồi của thị trường phiên hôm nay.
Nhóm VN30 là một trong những nhân tố chính khiến thị trường khi có 17 mã giảm và 12 mã tăng. Trong đó, chiều tăng có một số mã tích cực như MSN tăng 3,7% lên mức cao nhất ngày 141.000 đồng/CP, GAS tăng 1,8% lên 96.800 đồng/CP, HPG tăng 1,3% lên 53.300 đồng/CP. Trái lại, STB là mã giảm mạnh nhất trong rổ khi để mất 2,8% và kết phiên tại mức giá 25.800 đồng/CP, ngoài ra các mã khác như BVH, SSI, VPB, CTG có mức giảm hơn 1%.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)