Hiện nay, trường hợp người có nhu cầu ở thực nhưng lại không thể tiếp cận nhà ở vì giá neo quá cao rất phổ biến, nhất là ở những đô thị lớn. Sức mua giảm cũng là nguyên nhân chính dẫn đến lượng tiêu thụ các sản phẩm bất động sản giảm mạnh trong những tháng qua.
“Chưa bao giờ thấy thị trường bất động sản khó khăn như lúc này. Hầu như khách hàng không quan tâm, nếu có thì cũng không đủ sức mua”, giám đốc một công ty địa ốc tại TP.HCM than thở.
Đây cũng là lý do khiến phần lớn doanh nghiệp đều tỏ ra thận trọng trong những tháng cuối năm 2022, mà hạn chế đẩy mạnh bán hàng như giai đoạn trước.
heo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, dự đoán những tháng cuối năm 2022, nguồn cung nhà ở tiếp tục hạn chế, đặc biệt là phân khúc trung cấp và bình dân. Người mua để ở sẽ không có nhiều lựa chọn do hầu hết nguồn cung mới đều tập trung ở phân khúc cao cấp trở lên.
“Thời điểm này, nhà đầu tư cần tránh ‘lướt sóng’ ngắn hạn, mà nên hướng về trung và dài hạn, kèm theo kế hoạch rõ ràng về dòng tiền, hạn chế dùng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, đặc biệt cần tìm hiểu kỹ pháp lý dự án, uy tín chủ đầu tư… bởi trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm pháp lý không rõ ràng. Với người mua nhà để ở, chi phí lãi vay có xu hướng gia tăng nên các chính sách bán hàng của chủ đầu tư sẽ yếu tố quan trọng để cân nhắc xuống tiền”, bà Dung khuyến nghị.
“Thị trường khó khăn, tín dụng ngân hàng tiếp tục thắt chặt, lãi suất có xu hướng tăng cao, tâm lý khách hàng trong trạng thái nghe ngóng, chờ đợi… Nhận thấy thị trường cuối năm khó có thể khởi sắc nên chúng tôi chỉ tập trung khai thác các dự án hiện hữu, mà không ra mắt dự án mới”, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản lớn tại Long An chia sẻ.
Theo số liệu từ Savills Việt Nam, tại TP.HCM, lượng giao dịch căn hộ trong quý III/2022 đã giảm 89% theo quý, xuống còn hơn 990 căn và tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt khoảng 15%, giảm 54% theo quý – cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2019 tới nay.
Tương tự, với phân khúc đất nền, số liệu từ DKRA Group cho thấy, trong quý III/2022, toàn thị trường ghi nhận 9 dự án mới được mở bán với nguồn cung khoảng 1.057 sản phẩm, giảm 65,6% so với quý trước. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 550 nền, tương đương 52% nguồn cung mới, giảm 77,8% so với quý trước. Tại TP.HCM, nguồn cung mới tiếp tục khan hiếm.
Có mặt tại sự kiện công bố bán hàng của một dự án mới tại TP.HCM, anh Phan Thành Đạt, người đang muốn mua nhà để ở, tỏ ra khá tâm đắc bởi dự án tọa lạc ngay bến xe Miền Đông mới, thuận lợi di chuyển về trung tâm TP.HCM và các vùng lân cận thông qua Xa lộ Hà Nội, lại có thiết kế hiện đại, tối ưu ánh sáng tự nhiên với những khoảng kính rộng mở, tầm nhìn thoáng, đặc biệt là tích hợp đầy đủ các tiện ích nội khu như công viên cây xanh, sân chơi trẻ em, khu thể thao đa năng, trung tâm thương mại…
Thế nhưng, sau khi biết mức giá dự kiến của mỗi sản phẩm tại dự án lên tới gần 70 triệu đồng/m2, anh chỉ biết lắc đầu tiếc nuối bởi nguồn tài chính hiện tại chỉ có khoảng 1 tỷ đồng, vợ chồng anh đều là người “làm công ăn lương”, mỗi tháng chắt chiu lắm mới dư được 15 triệu đồng. Trong khi với mức giá này, tính ra một căn hộ 60 m2 có giá hơn 4 tỷ đồng.
“Đành rằng, chủ đầu tư đưa ra các chính sách hỗ trợ lãi suất và các mức chiết khấu kèm theo khi thanh toán, song giá bán vẫn quá cao so với thu nhập của gia đình. Nếu vay ngân hàng thì rồi cũng phải trả, đến thời điểm trả nợ không đủ tiền phải tính làm sao, chưa kể còn không biết có được ngân hàng cho vay hay không”, anh Đạt bộc bạch.
Tổng Hợp