Có thể hình thành một trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, trước tiên cần có khung pháp lý để các tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính hoàn chỉnh. Đây là những tổ chức kinh doanh nhiều dịch vụ tài chính từ ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư đến quản lý quỹ, chứng khoán.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng vừa chủ trì hội thảo tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tại TPHCM sáng 25/2. Đây được xem là chiến lược đột phá để phát triển kinh tế TPHCM sau đại dịch. Đồng thời, đề án này đã được nhiều thế hệ lãnh đạo TPHCM ấp ủ hơn 20 năm qua.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc IPPG, cho biết đề án của nhóm tư vấn do công ty này tài trợ, hướng đến phát triển trung tâm tài chính thế hệ mới tại TPHCM. Ngoài việc phát triển dịch vụ tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, ngoại hối, IPPG mong muốn TPHCM cho phép các nhà đầu tư chiến lược được phát triển dịch vụ bổ trợ khác như du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, khu phi thuế quan, công viên giải trí, khách sạn, nhà hát, casino để tạo sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
Theo bà Tiên, trung tâm tài chính quốc tế mới của Việt Nam phải có các yếu tố cạnh tranh khác biệt so với các trung tâm hiện hữu trong khu vực. Điều này đòi hỏi khuôn khổ pháp lý cho trung tâm tài chính quốc tế phải thật sự đột phá. Nếu chỉ làm đề án theo tính an toàn, trung tâm tài chính của Việt Nam sẽ “tụt hậu”, khó cạnh tranh. CEO IPPG cho biết các nhà đầu tư Mỹ là đối tác của công ty đã chờ đợi dự án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM từ năm 2016 nhưng thời điểm đó kế hoạch chưa được thúc đẩy vì nhiều lý do khách quan. Do đó, bà Tiên cho rằng trước xu hướng dịch chuyển của các định chế tài chính trên thế giới, TPHCM không nên chậm chân hơn nữa, cần chớp lấy cơ hội vàng với cơ chế chính sách đột phá để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Quan điểm này trước đó cũng được Chủ tịch IPPG Johnathan Hạnh Nguyễn, chồng bà Tiên, trình bày tại một hội thảo vừa được tổ chức giữa tháng 2. Theo ông, nhiều nhà đầu tư Mỹ cam kết rót 6 tỷ USD vào dự án trung tâm tài chính quốc tế, đồng thời muốn xây dựng công viên Disneyland tại TPHCM.
Trong khi đó, Giáo sư Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TPHCM) nêu quan điểm các dịch vụ bổ trợ như giải trí, casino, trường đua nên theo sau trung tâm tài chính. Theo ông, trung tâm tài chính hiểu đơn giản là nơi tiền và tài năng tụ họp. Do đó, khi TPHCM đã hình thành trung tâm tài chính quốc tế và thu hút nhân sự tài năng trên thế giới hội tụ, các dịch vụ hỗ trợ mới nên phát triển đi kèm để phục vụ nhu cầu của nguồn lao động chất lượng cao này như bệnh viện, trường học quốc tế hay nhà hát. Ông cho rằng trung tâm tài chính sẽ chọn dịch vụ bổ trợ chứ không phải ngược lại.
Hiện tại, bản dự thảo tóm tắt đề án của HFIC kiến nghị cho phép nhà đầu tư chiến lược xây dựng và phát triển trung tâm tài chính xây dựng và kinh doanh một dự án casino tại TPHCM. Các quy định về quản lý ngoại hối đối với trung tâm tài chính sẽ được áp dụng cho casino. Đồng thời, đề án kiến nghị cho phép thành lập các khu bán hàng miễn thuế và khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí phù hợp với pháp luật Việt Nam tại trung tâm.
Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), cơ quan được UBND TPHCM giao làm đầu mối soạn thảo đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế, cho biết bản dự thảo hiện tại được tổng hợp, sử dụng chọn lọc nội dung từ đề án của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, đề án của nhóm tư vấn nước ngoài được Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) tài trợ, cùng các ý kiến của chuyên gia được TP mời tham gia.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên trường Fulbright, cho rằng để có thể hình thành một trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, trước tiên cần có khung pháp lý để các tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính hoàn chỉnh. Đây là những tổ chức kinh doanh nhiều dịch vụ tài chính từ ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư đến quản lý quỹ, chứng khoán. Thứ hai, cần có chính sách để những ngân hàng số hoạt động độc lập hoàn toàn, không phụ thuộc vào các ngân hàng truyền thống. Ngân hàng số là những đơn vị số hóa 100%, không có chi nhánh, phòng giao dịch truyền thống.
Theo chuyên gia của Fulbright, để hình thành một trung tâm tài chính tại TPHCM có thể cạnh tranh được với các trung tâm đã có trong khu vực, cần nhiều cú hích khác như hình thành thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh, tiến đến tự do hóa tài chính, tiền đồng được tự do chuyển đổi.
Tổng Hợp