Theo Bộ Xây dựng, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng của thị trường bất động sản. Tại nhiều địa phương, do tác động của đợt bùng phát dịch bệnh thứ 4, khối lượng giao dịch và số lượng dự án mở bán giảm mạnh so với quý trước. Bất chấp các tác động của đại dịch Covid-19, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP.HCM vẫn tăng 5% – 7%.
Giá giao dịch các sản phẩm bất động sản như nhà ở, đất nền tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, đối với dòng sản phẩm căn hộ, giá giao dịch bình quân tại Hà Nội và TP.HCM vẫn tăng 5% – 7% so với quý I/2021.
Trong đó, các căn hộ bình dân, có mức giá từ 25 triệu đồng – 30 triệu đồng/m2 có rất ít, nằm xa khu vực trung tâm. Nguồn cung loại căn hộ này ngày một hạn chế trong khi nhu cầu của người dân vẫn còn nhiều dẫn đến giá bán tiếp tục tăng. Tại Hà Nội, khối lượng giao dịch bất động sản giảm 80% so với quý I/2021, còn tại TP.HCM giảm 13% so với quý trước.
Đối với căn hộ chung cư trung cấp, có mức giá khoảng 30 triệu đồng, đến dưới 50 triệu đồng/m2 vẫn chiếm phần lớn sản phẩm chủ đạo trên thị trường. Giá giao dịch căn hộ trung cấp có mức tăng cao tại một số khu vực như quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai (Hà Nội); Quận 5, TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh); TP. Dĩ An (Bình Dương). Đối với căn hộ cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng, tại Hà Nội và TP.HCM ghi nhận một số dự án có vị trí đặc biệt, trung tâm có mức giá quảng cáo, chào bán rất cao như: dự án One Central Saigon (nằm ở Quận 1, TP HCM) có mức giá bán dự kiến cao kỷ lục, khoảng 650 – 800 triệu đồng/m2; dự án The Grand Hàng Bài ở vị trí đất vàng của Hà Nội, với giá chào bán từ 570-700 triệu đồng/m2;….
Đối với loại hình căn hộ chung cư cho thuê, giá cho thuê nhìn chung vẫn có xu hướng giảm theo quý so với cuối năm 2020, mức giảm bình quân toàn thị trường khoảng 3-5%). Tại Hà Nội, các quận Cầu Giấy, Tây Hồ là khu vực có mức giá cho thuê căn hộ chung cư trung cấp và cao cấp giảm mạnh nhất. Tại TP.HCM, giá cho thuê căn hộ trung và cao cấp tại quận 7, Bình Tân có mức giảm mạnh nhất. Đối với dòng sản phẩm nhà ở riêng lẻ, giá giao dịch vẫn tăng nhưng không nhiều, bình quân khoảng 3%so với quý trước, lượng giao dịch đối với nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 120% so với thời điểm cuối năm 2020.
Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những địa phương có mức giá bình quân tăng cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Trong khi đó, phân khúc đất nền đã từng “làm mưa làm gió” trong quý I/2021 đã hạ nhiệt trong quý II/2021. Các đợt “sốt đất” tại Bình Phước, Hải Phòng, Đà Nẵng,… đã xì hơi. Bên cạnh đó, lượng giao dịch đất nền có xu hướng giảm so với quý trước. Trước những khó khăn của thị trường bất động sản trong mùa dịch, Bộ Xây dựng vẫn đánh giá thị trường đang có dấu hiệu phục hồi, thậm chí, một số phân khúc vẫn có triển vọng tăng trưởng tốt.
Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thông qua nhiều hình thức như giới thiệu và bán hàng trực tuyến. Các sàn giao dịch cũng ghi nhận về nhu cầu mua nhà ở của người dân khá tích cực, nhất là tại thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP.HCM, Hà Nội… Theo đó, các nhà đầu tư sẽ phát triển nhiều loại hình bất động sản mới nhằm cạnh tranh hơn như: second-home, farm-home, homestay. Nhờ đó, người mua được tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao hơn, phong phú hơn.
Có thể thấy, vào cuối Quý II/2021 trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp phát hành tăng cao, trong đó nhóm ngành bất động sản thể hiện nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu lớn. Tuy nhiên, Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cũng có khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư TPDN riêng lẻ, tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, đặc biệt cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ; doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo.
Cương Nguyễn