Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ sự lo ngại trước những tác động tiêu cực mà Thông tư 06 có thể tạo ra khi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2023.Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, nguồn vốn là mối bận tâm lớn của các doanh nghiệp bất động sản…
Trên thực tế, từ khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39) được ban hành ngày 28/6/2023 tới lúc ban hành thông tư mới là Thông tư 10/2023/TT-NHNN (Thông tư 10) ngày 23/8/2023, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ sự lo ngại trước những tác động tiêu cực mà Thông tư 06 có thể tạo ra khi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2023.
Ở góc độ cơ quan quản lý, khi ban hành Thông tư 06, mục tiêu Ngân hàng Nhà nước hướng tới không nằm ngoài mục đích đảm bảo an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, kiểm soát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, mà vẫn đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế.
Chưa kể, so với Thông tư 39, Thông tư 06 được đổi mới theo hướng thông thoáng hơn để người vay có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Chẳng hạn, theo quy định cũ, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất – kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống. Tuy nhiên, theo quy định mới, với cùng khoản vay mua nhà, nếu ngân hàng B áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn thì khách hàng hoàn toàn có thể đến ngân hàng B đề xuất nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn cho khoản vay mua nhà đang vay tại ngân hàng A.
Ths. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Kinh tế thị trường, Đại học Kinh tế TP.HCM phân tích, quy định tại Thông tư 06 mở rộng phạm vi cho vay gồm phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống. Thậm chí, với nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, khách hàng không cần phải có phương án, dự án chứng minh.
Một mặt mở rộng cho vay nhóm đối tượng là người dân, nhưng mặt khác, Thông tư 06 lại siết chặt hơn điều kiện cho vay các đối tượng là doanh nghiệp, đặc biệt một số trường hợp thuộc diện không cho vay như để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM… là chưa phù hợp bối cảnh hiện tại. Bởi lẽ, bản chất đây là hoạt động M&A và đang cần thúc đẩy để giải quyết tình trạng khó khăn thanh khoản kéo dài tại nhiều doanh nghiệp suốt thời gian qua.
Ngoài ra, quy định “dự án phải đủ điều kiện đưa vào kinh doanh mới được vay vốn” như đánh giá của ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) là dễ dẫn tới việc “đánh đồng” cả dự án tốt vào danh sách không giải ngân tín dụng, ngân hàng nếu không có thiện chí sẽ dễ dàng từ chối cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản một cách “đúng quy định”.
“Động thái kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay để hạn chế rủi ro nợ xấu gia tăng của cơ quan quản lý là cần thiết, nhưng trong bối cảnh hiện tại, việc siết quá chặt vô hình trung dựng thêm ‘rào chắn’ tiếp cận tín dụng so với trước đây”, ông Thanh nói.
Cũng cần nhắc lại rằng, quy định trên được lấy ý kiến từ đầu năm 2022, thời điểm áp lực tỷ giá và lãi suất lên cao, nợ xấu có xu hướng tăng mạnh sau dịch…, trước khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc với sự lao dốc mạnh của thị trường bất động sản sau sự cố liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp cũng như ách tắc thủ tục pháp lý kéo dài của hàng trăm dự án trên khắp cả nước. Bởi vậy, việc hoãn thi hành một số điều kiện về cho vay như quy định tại Thông tư 10 là rất cần thiết, cũng là tuân thủ chủ trương gỡ vướng cho thị trường bất động sản tại Nghị quyết 33 của Chính phủ.
“Việc dừng thực hiện một số điều khoản tại Thông tư 06 theo quy định của Thông tư 10 sẽ tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp được bình đẳng trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp kịp thời tái cấu trúc nguồn vốn”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) nêu quan điểm.
Cùng góc nhìn, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, Thông tư 10 sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn có cơ hội cơ cấu lại nguồn vốn thông qua việc chuyển nhượng vốn tại các dự án cho các nhà đầu tư có năng lực vận hành tốt hơn, hoặc thông qua cơ chế hợp tác kinh doanh với các đối tác có tiềm lực tài chính, còn các ngân hàng có cơ sở pháp lý để cho vay đối với dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh nhưng có pháp lý đầy đủ.
“Ngoài ra, quy định mới cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản trong việc đi vay để đầu tư, mở rộng quỹ đất hoặc đầu tư vào một dự án mới, chưa kể còn góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng vốn đang ở mức thấp thời gian gần đây (tính đến cuối tháng 7/2023, tín dụng chỉ tăng 4,56% so với đầu năm, giảm 0,17% so với thời điểm cuối tháng 6/2023)”, ACBS thông tin thêm.
Tổng Hợp
(ĐTCK)