Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 7/2022, tổng số dư tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng khoảng 5,629 triệu tỷ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm 2021. Trong 7 tháng đầu năm 2022, người dân gửi thêm hơn 328.500 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng…
Tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng cũng tăng thêm gần 121.000 tỷ đồng, tương đương tăng 2,13% so với cuối năm 2021.
Đáng chú ý, mặc dù tiền gửi của tổ chức kinh tế vẫn tăng so với hồi đầu năm nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể. Những năm trước, mức tăng bình quân số dư tiền gửi của nhóm khách hàng tổ chức tại hệ thống ngân hàng đều đạt xấp xỉ 200.000 tỷ đồng sau nửa đầu năm.
Một điểm cần quan tâm nữa là, xét riêng trong 7/2022, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm tới hơn 83.500 tỷ đồng so với cuối tháng 6/2022. Đồng thời, giữa bối cảnh lãi suất huy động tăng nhanh như đã nói, thế nhưng tiền gửi của cư dân cũng chỉ nhích tăng thêm 9.600 tỷ đồng. Điều này kéo theo tổng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đã giảm ròng 73.900 tỷ đồng so với tháng liền trước.
Nếu tính theo số tuyệt đối, trong 7 tháng đầu năm 2022, người dân đã gửi thêm hơn 328.500 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, tương đương cứ mỗi ngày, người dân gửi gần 1.565 tỷ đồng vào các ngân hàng. Con số này cũng cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân 726 tỷ/ngày của cùng kỳ năm 2021 và gần 1.200 tỷ/ngày những tháng đầu năm 2020.
Giới chuyên môn cho rằng nguyên nhân chính khiến số dư tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng tăng mạnh là do mặt bằng lãi suất huy động nâng lên đáng kể.
Cập nhật thị trường cho thấy, tính tới cuối tháng 7/2022, lãi suất huy động 12 tháng tiếp tục tăng thêm 0,07 điểm phần trăm, lên mức 5,77%/năm.
Như vậy, lãi suất huy động 12 tháng đã tăng 0,18 điểm phần trăm so với cùng kỳ và 0,23 điểm phần trăm so với cuối năm 2021. Trong khi đó, kỳ hạn 6 tháng cũng tăng 0,09 điểm phần trăm so với cuối tháng 6/2022; tăng 0,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ và tăng 0,24 điểm phần trăm so với cuối năm 2021.
Ở thời điểm gần cuối tháng 9/2022, nhiều ngân hàng đưa ra mức lãi suất 7%/năm cho các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân có kỳ hạn trên 6 tháng. Trái lại, trong các năm 2020 và 2021, hiếm ngân hàng đưa ra mức lãi suất 7%/năm.
Có nhiều quan điểm cho rằng lượng tiền nhàn rỗi trong những năm trước đã được doanh nghiệp rút về để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Hay cũng có ý kiến nêu quan điểm, các khoản lợi nhuận của khối doanh nghiệp FDI được dồn lại từ nhiều năm, nay được chuyển về cho công ty mẹ.
Trong báo cáo thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn, Nghị quyết số 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (lĩnh vực ngân hàng) gửi đến Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đã nêu một hướng gợi mở.
Theo báo cáo gửi lên Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, thời gian qua, toàn ngành ngân hàng đã thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
Nhờ vậy, đến cuối tháng 8/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống vẫn ở mức an toàn là 1,9%. Tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 4,99%, giảm mạnh so với mức 6,3% ở cuối năm 2021.
Cũng liên quan đến nợ xấu, công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/8/2022, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 404,1 nghìn tỷ nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục áp dụng toàn diện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang cố gắng nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng. Đặc biệt là việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối.
Tổng Hợp