Việc lãi suất huy động đông loạt tăng làm đấy lên kỳ vọng thu hút lượng lớn tiền gửi, tăng vốn cho tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trước bối cảnh này, lãi suất cho vay cũng đứng trước áp lực tăng theo, nhưng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng trong những tháng cuối năm giảm dần…
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng cũng phải tìm kiếm các giải pháp nhắm tối ưu lợi suất tài sản của mình. Nhiều ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào mảng bán lẻ, mảng có NIM cao hơn, để có thể đảm bảo được lợi nhuận của mình.
Do đó, trước bối cảnh tín dụng hạn chế và rủi ro NIM thu hẹp khi chi phí vốn của các ngân hàng sẽ không còn duy trì ở mức thấp do lãi suất tiền gửi tăng, chuyên gia cho rằng ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực cho vay phù hợp để tối ưu lợi suất tài sản.
Việc tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại và khiến tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) toàn ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới. “Lãi suất huy động tăng lên nhưng lãi suất cho vay không được tăng tương đương thì có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngân hàng, NIM sẽ có xu hướng co lại”, ông Hoàng Minh Tuấn, Kinh tế trưởng MBS, nhận định.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tác động sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng. Cụ thể, Yuanta Việt Nam cho rằng với những ngân hàng có tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động ngân hàng (LDR) thấp như là HDBank, VIB, VPBank, hoặc các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thấp như là ACB, HDB, MSB, VPB sẽ ít chịu áp lực về NIM hơn.
Đặc biệt, đối với các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao như Techcombank, MB, và Vietcombank sẽ chống chịu tốt hơn trước tác động của xu hướng gia tăng chi phí vốn.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến 20/9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (tăng 4,28% so với cùng kỳ) trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54% (tăng 7,17% so với cùng kỳ), cho thấy sự chênh lệch giữa huy động vốn và tín dụng ở vùng âm kể từ tháng 7 tới nay.
Chênh lệch này tạo áp lực lớn lên lãi suất. Khi lãi suất đầu vào tăng, dẫn đến tiền gửi và chi phí vốn của ngân hàng tăng lên thì lãi suất đầu ra hay lãi suất cho vay cũng sẽ chịu áp lực tăng theo.
Theo dự báo của Công ty chứng khoán KB (KBSV), mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tăng 0,5 – 1% trong năm nay, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%. Lãi suất cho vay có biến động đồng pha nhưng mức tăng sẽ ít hơnở mức khoảng 0,4 – 0,7%, do Chính Phủ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng chia sẻ khó khăn với các nhóm ngành chịu tác động bởi dịch bệnh.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu từng dự báo mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng khoảng 1%-1,5% từ nay đến cuối năm.
Trong khi đó, Chứng khoán VNDirect cho rằng lãi suất cho vay có thể ổn định ở vùng thấp trong những tháng cuối năm 2022 trước khi áp lực lãi suất huy động kéo mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 0,6 – 0,8 điểm % trong năm 2023.
Trên thực tế, bên cạnh xu hướng tăng nóng của lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng đã có dấu hiệu nhích tăng ở một số ngân hàng thương mại.
Tổng Hợp