Với mục đích hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), cả 4 ngân hàng (NH) thương mại nhà nước cùng triển khai gói tín dụng quy mô lớn chưa từng có với lãi suất ưu đãi.
Theo TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, nhận định việc các NH thương mại nhà nước đồng loạt tung các gói tín dụng quy mô lớn, lãi suất giảm là tín hiệu tích cực cho thị trường và DN. Dù vậy, nếu phân tích kỹ sẽ thấy tổng quy mô tín dụng của nền kinh tế có thể không tăng trưởng được nhiều. Bởi đang có sự phân hóa khá rõ giữa các NH thương mại nhỏ và lớn. Trong khi NH thương mại lớn thanh khoản dồi dào, sẵn sàng triển khai những gói tín dụng ưu đãi quy mô lớn để tăng thị phần thì NH thương mại nhỏ vẫn gặp khó khăn về thanh khoản.
“Sẽ có tránh trường hợp DN tất toán khoản vay ở NH thương mại nhỏ để chuyển sang vay NH thương mại lớn với lãi suất thấp hơn. Thực tế là từ đầu năm đến nay, chủ yếu các NH thương mại lớn công bố giảm lãi suất cho vay chứ làn sóng giảm chưa lan nhiều xuống NH nhỏ. Do đó, cần sự hỗ trợ về thanh khoản của NH Nhà nước cho các NH nhỏ, tránh sự vênh quá lớn giữa các NH thương mại sẽ khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới” – TS Nguyễn Hữu Huân nói.
Liên quan đến room tín dụng tăng trưởng thấp trong vài tháng gần đây, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng vấn đề nằm chủ yếu ở phía DN, khi sức cầu trên thị trường yếu, kinh tế các nước suy thoái khiến hoạt động sản xuất – kinh doanh, xuất khẩu của DN gặp khó. Lãi suất cho vay cũng chưa giảm nhiều khiến DN chưa mặn mà vay mới để tái đầu tư, mở rộng sản xuất – kinh doanh như trước. Chưa kể, bao nhiêu tài sản thế chấp đều nằm ở NH để bảo đảm cho các khoản vay trước đó. Nay, vay vốn mới không có thêm tài sản thế chấp cũng không dễ nên sẽ khó tránh trường hợp DN đảo nợ (tất toán khoản vay ở NH lãi suất cao để chuyển sang NH lãi suất thấp hơn).
Cụ thể, NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa tung gói tín dụng lên tới 100.000 tỉ đồng với lãi suất từ 7,1%/năm nhằm hỗ trợ nhu cầu sản xuất – kinh doanh của khách hàng cá nhân. Gói tín dụng triển khai từ nay đến hết ngày 30-6, thời gian vay tối đa 12 tháng.
NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tung ra gói tín dụng ưu đãi cho DN với quy mô lên đến 100.000 tỉ đồng và 500 triệu USD. Đối tượng áp dụng là các DN có hoạt động kinh doanh hiệu quả, có nhu cầu vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất – kinh doanh hoặc vay vốn hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Chương trình kéo dài từ nay đến hết ngày 30-6. “Chương trình triển khai cho các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng), mức lãi suất thấp hơn tới 1,5 điểm % với khoản vay giải ngân bằng VNĐ và 1 điểm % với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất hiện hành, tùy theo từng kỳ hạn cho vay, hồ sơ cụ thể của DN” – đại diện Agribank nói.
Một “ông lớn” khác là NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tung gói vay quy mô lên tới 170.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân, đáp ứng nhu cầu vay vốn tiêu dùng và phục vụ sản xuất – kinh doanh. Cụ thể, từ nay đến hết ngày 31-12, BIDV triển khai gói tín dụng trung – dài hạn với quy mô 100.000 tỉ đồng, lãi suất từ 9,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ tiêu dùng, mua ôtô hoặc sản xuất – kinh doanh.
Bên cạnh đó, BIDV triển khai các gói vay 70.000 tỉ đồng, lãi suất từ 7%/năm, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ mục đích sản xuất – kinh doanh của khách hàng trong năm 2023 với các kỳ hạn dưới 12 tháng. Trong đó, 20.000 tỉ đồng áp dụng cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; còn gói 50.000 tỉ đồng dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh trong mọi lĩnh vực, từ nay đến hết ngày 31-5, lãi suất từ 7,5%/năm đối với khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 8,5%/năm đối với khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng…
Cuối cùng là NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), triển khai gói tín dụng 100.000 tỉ đồng cho vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất 7,5%-8,6%/năm đối với các khoản vay dưới 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Tổng Hợp
(Người Lao Động)