Ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Nhưng đến nay đã cho thấy nhiều bất cập và khó khăn cho doanh nghiệp triển khai…
Mục tiêu của đề án, phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 – 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn. Thủ tướng đã giao chỉ tiêu về nhà ở xã hội cho từng địa phương; đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Đề án.
Với mục tiêu của Đề án thì mỗi năm, thị trường sẽ đón nhận thêm khoảng 100.000 – 110.000 căn nhà ở xã hội. Do đó, cơ hội tiếp cận về nhà ở của người thu nhập thấp chắc chắn sẽ tăng lên. Trên cơ sở đó, thị trường bất động sản sẽ phát triển cân đối, hài hòa và bền vững hơn.
Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đến nay đạt kết quả còn hạn chế so với mục tiêu đề ra. Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến ngày 18/5/2023, trong giai đoạn 2021-2025, 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị đã hoàn thành hoàn thành, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn. Nguyên nhân là do những khó khăn, vướng mắc như liên quan tới việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; quỹ đất dành cho nhà ở xã hội; việc xác định giá bán nhà ở xã hội; ưu đãi dành cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thực sự thu hút;…
Để giải quyết những khó khăn, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và đã được Chính phủ thông qua, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép các chính sách về nhà ở xã hội (quy định tại chương VI dự thảo Luật) có hiệu lực sớm sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (dự kiến từ 01/01/2024).
Trong đó, bao gồm nhóm chính sách về: đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển.
Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách tài chính đối với nhà ở xã hội cho thấy các ưu đãi về chính sách thuế, phí, lệ phí là giải pháp hỗ trợ của Nhà nước cả về cung và cầu, góp phần thu hút đầu tư phát triển trong lĩnh vực nhà ở nói chung, kinh tế địa phương nói riêng, khuyến khích đầu tư của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế vào phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Đồng thời, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của đất nước, nhất là các đối tượng là các đối tượng khó khăn về nhà ở, công nhân khu công nghiệp, người lao động nghèo.
Xuất phát từ thực hiện triển khai các hỗ trợ về tài chính đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội, để tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế, phí, lệ phí liên quan đến nhà ở xã hội nhằm thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần làm đòn bẩy phát triển thị trường nhà ở xã hội ổn định và bền vững, trong thời gian tới, Bộ Tài chính đang triển khai một số giải pháp về hoàn thiện thể chế.
Tổng Hợp
(Dân Việt)