Kết thúc mùa báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm, trật tự bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm nay có nhiều biến động. Đặc biệt, một số nhà băng tư nhân top đầu có dấu hiệu gặp khó khăn khi báo kết quả kinh doanh “đi lùi”.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính của các ngân hàng, chỉ có 13 ngân hàng báo lãi nửa đầu năm tăng trưởng dương (trong đó có 3 ngân hàng quốc doanh), còn lại đều báo lãi giảm.
Hoạt động kinh doanh của nhóm ngân hàng nửa đầu năm nay nhìn chung kém khởi sắc so với giai đoạn trước, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cả ngành thấp kỷ lục và ngành bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp rơi vào trạng thái khó khăn.
Từ trước đó, nhiều công ty chứng khoán cũng đã đưa ra nhận định lợi nhuận ngành ngân hàng nửa đầu năm nay giảm tốc với lo ngại về thanh khoản, lãi suất, môi trường bất động sản, trái phiếu gặp khó. Các con số cho thấy lợi nhuận toàn ngành đã giảm khoảng 4%, trái ngược với mức tăng gần 40% cùng kỳ, bất chấp thời điểm đó chịu tác động của dịch Covid-19.
Thận trọng về ngành ngân hàng nửa đầu năm, song giới phân tích cũng nhận thấy triển vọng có phần tích cực hơn trong nửa cuối năm, với mức tăng trưởng lợi nhuận sẽ khoảng 10-15%, dựa trên kỳ vọng tín dụng tăng tốc, biên lãi ròng (NIM) phục hồi, Thông tư 06 có hiệu lực, thị trường bảo hiểm dần lấy lại niềm tin…
Các chuyên gia đến từ Chứng khoán MB (MBS) cho rằng tín dụng sẽ tăng tốc nhanh hơn trong nửa cuối năm 2023 nhờ xuất khẩu phục hồi, hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm bắt đầu kích hoạt lại nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân, chính sách tài khóa như giảm VAT kích thích nhu cầu tiêu dùng.
Theo MBS, những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp tại thời điểm cuối quý II sẽ là những nhà băng có dư địa đẩy mạnh tín dụng vào nửa cuối năm.
Tại Techcombank, quý II vừa rồi, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức thấp trong ngành, chỉ 1,07% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh ở mức 115,8%. Nợ xấu tăng nhẹ chủ yếu từ nhóm khách hàng bán lẻ do tăng trưởng dư nợ cho vay không thế chấp của ngân hàng và tác động từ phân loại lại nợ theo Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), chủ yếu liên quan đến dư nợ vay mua nhà tại các ngân hàng khác.
Nếu loại bỏ tác động của CIC, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này được kiểm soát ở mức 0,9%.
Trong quý II vừa rồi, NIM toàn ngành ngân hàng giảm khoảng 3,41% do chi phí huy động vẫn còn tăng cao và áp lực từ nợ xấu hình thành mới tiếp tục đè nặng lên thu nhập lãi thuần.
Dù vậy, tác động này sau đó sẽ giảm thiểu dần trong những quý tiếp theo nhờ cải thiện mức chênh lệch lãi suất cho vay và tiền gửi do giảm chi phí huy động vốn, kết hợp với nhu cầu tín dụng hồi phục và giảm áp lực nợ xấu.
Một trong những yếu tố tác động đến lợi nhuận ngành ngân hàng là thu nhập từ phí bảo hiểm. Nửa đầu năm nay, nhiều ngân hàng ghi nhận doanh số giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, có thể kể đến MB, VIB, TPBank, SeABank…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), kỳ vọng thu nhập từ hoạt động này sẽ tích cực trở lại khi các hoạt động thanh tra, khung pháp lý về hoạt động này hoàn thiện và các ngân hàng cùng công ty bảo hiểm cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng ý thức bảo vệ quyền lợi khách hàng. Từ đó, tạo động lực phục hồi cho sản phẩm còn nhiều dư địa này.
Theo Thông tư 10 được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 23/8 nhằm ngưng hiệu lực một số quy định tại Thông tư 06 (thông tư sửa đổi Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước), người dân, doanh nghiệp vẫn được vay ngân hàng trong các trường hợp nhất định, thay vì bị kiểm soát từ 1/9 như dự định trước đó.
Cụ thể, ngân hàng vẫn được phép cho vay với nhu cầu thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa giao dịch trên UPCoM.
Hay ngân hàng cũng được cho người dân và doanh nghiệp có thể vay vốn để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước cũng bỏ quy định không được cho vay để bù đắp tài chính, trừ khi đáp ứng đủ 2 điều kiện là bên vay đã ứng vốn thanh toán và trả các chi phí thực hiện dự án cũng đã được bãi bỏ.
Từ đầu tháng 7, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm ban hành, đưa vào một số quy định đối với bộ phận chuyên trách bảo hiểm tại ngân hàng, yêu cầu có bàn giao dịch riêng để tư vấn bảo hiểm tách biệt với khu vực giao dịch, ghi âm nội dung tư vấn bảo hiểm…
Thông tư hướng dẫn chi tiết về Nghị định này đang được cơ quan soạn thảo lấy ý kiến, được giới trong ngành kỳ vọng có những điều khoản khả thi, thực tế để cải thiện thị trường bảo hiểm trong thời gian tới.
Ngoài ra, những ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản và xây dựng cao trên tổng dư nợ được cho là sẽ hưởng lợi thời gian tới khi Ngân hàng Nhà nước sửa quy định về tiếp cận vốn vay bất động sản.
Tổng Hợp
(Dân Trí)