Doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng 20% lượng trái phiếu phát hành, chỉ sau các tổ chức tính dụng Theo đó, lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản cũng rất lớn, nhất là 2 năm tới (khoảng 115 nghìn tỷ đồng/năm), chưa tính tiền lãi nên cần tránh vỡ nợ trái phiếu.
Những vi phạm liên tiếp đã làm niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm đáng kể, nhà đầu tư cá nhân cũng đã trở nên e ngại hơn sau các vụ việc vừa qua. Bên cạnh đó, Nghị định 65/2022 đã đưa ra những quy định chặt chẽ hơn đối với phát hành TPDN riêng lẻ (trong tháng 10/2022, chỉ có 1 đợt phát hành TPDN trị giá 210 tỷ VND, giảm 99% so với tháng trước). Đồng thời, nguồn vốn tín dụng dành cho đối tượng này là không nhiều do phải ưu tiên cho sản xuất kinh doanh và trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng vẫn khoảng 14-15% để kiểm soát lạm phát và thanh khoản hệ thống TCTD;
“Thị trường chứng khoán không còn sôi động như giai đoạn trước, nên huy động vốn qua kênh này còn khó khăn. Ngoài ra, việc bán hàng, phát mại tài sản để trả nợ cũng không dễ dàng (do thị trường bất động sản đang trầm lắng, phục hồi chậm). Vì thế, một bộ phận doanh nghiệp (nhất là lĩnh vực bất động sản) có tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ trái phiếu, nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời”, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế phát biểu.
TS. Lực cho biết, hệ lụy của việc vỡ nợ này là lớn, phức tạp, cần kiểm soát vì mối quan hệ liên thông giữa ngân hàng – chứng khoán – bất động sản là khá lớn (NHTM cho vay bất động sản – khoảng 2,36 triệu tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ của nền kinh tế; nhiều tài sản đảm bảo tín dụng là bất động sản – chiếm khoảng 65%; NHTM đầu tư vào TPDN – số dư khoảng 284 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 2,3% tổng dư nợ của các TCTD; NHTM niêm yết trên TTCK với tỷ trọng vốn hóa thường chiếm khoảng 23-25% và NHTM phát hành trái phiếu như nêu trên; doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên TTCK với tỷ trọng vốn hóa thường chiếm khoảng 15-16%, phát hành cổ phiếu và TPDN như nêu trên…).
Đề xuất các giải pháp trong ngắn hạn và trung – dài hạn, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinRatings cho rằng cần theo hai hướng, ngắn hạn và đồng thời là trung, dài hạn,
Trong ngắn hạn và cấp thiết, theo ông Thuân, cần có liệu pháp riêng cho các nhà phát hành có rủi ro cao như rà soát, đánh giá, phân loại xác định cụ thể nhà phát hành có rủi ro cao. Khu trú các doanh nghiệp yếu và sở hữu nhiều bởi nhà đầu tư cá nhân nhằm đưa ra phương án ổn định tâm lý và bảo vệ nhà đầu tư. Hướng dẫn phương án tái cấu trúc nợ.
Nguyên nhân không chỉ do lãi suất cao, hay một số doanh nghiệp vi phạm, chất lượng doanh nghiệp yếu kém mà có rất nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề lớn mang tính trầm trọng là xuất hiện sự hoảng loạn trên thị trường. Doanh nghiệp huy động trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm nhung bị nhà đầu tư đòi lại tiền.
Việc doanh nghiệp buộc phải trả lại tiền là thách thức, áp lực vô cùng lớn về thanh khoản. Nhưng điểm cốt lõi khiến thị trường trái phiếu khó khăn là thị trường không minh bạch. Thực tế, doanh nghiệp chào bán trái phiếu cách đây 2-3 năm nhưng đến nay hầu không có thông tin gì mới như khả năng trả nợ nhà đầu tư.
Đề xuất “phác đồ” điều trị cho thị trường trái phiếu, ông Thuân cho rằng trước hết doanh nghiệp phải chủ động minh bạch thông tin. Bởi doanh nghiệp vay tiền của công chúng thì phải minh bạch thông tin về sức khỏe của mình với nhà đầu tư.
Câu chuyện minh bạch là vấn đề cốt lõi, chìa khóa của mọi giải pháp, giúp thị trường lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Khi hồ sơ minh bạch, thông tin minh bạch, rõ ràng lãi suất trái phiếu sẽ được thảo luận.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán, Tuổi Trẻ)