Trong thời điểm hiện tại, các ngân hàng cho vay vốn ngắn hạn cần hỗ trợ người dân đáo hạn vay trở lại, tránh để người dân phải vay tín dụng “đen” với lãi suất cao.
Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng cung ứng vốn của tổ chức tín dụng, cũng như khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân, đặc biệt là phục vụ các nhu cầu vay vốn tiêu dùng chính đáng, nhu cầu vốn của người nghèo, người lao động thu nhập thấp, góp phần hạn chế tín dụng “đen.”
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận, phù hợp với quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và pháp luật khác liên quan.
Trường hợp khi đến hạn khách hàng không có khả năng trả nợ, tổ chức tín dụng xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng có quyền miễn, giảm lãi tiền vay, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng cung ứng vốn của tổ chức tín dụng, cũng như khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân, đặc biệt là phục vụ các nhu cầu vay vốn tiêu dùng chính đáng, nhu cầu vốn của người nghèo, người lao động thu nhập thấp, góp phần hạn chế tín dụng “đen.”
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp; điều hành tín dụng đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước trriển khai tài chính toàn diện với mục tiêu nhằm tăng khả năng tiếp cận tài chính tới mọi người dân và doanh nghiệp; phát triển mạng lưới tổ chức tín dụng, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân.
Đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, người không có tài sản bảo đảm, người lao động có thu nhập thấp, Ngân hàng Nhà nước cho biết Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 26 chương trình tín dụng chính sách để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng chính đáng và trang trải chi phí sinh hoạt, chi phí việc làm với lãi suất ưu đãi (chỉ từ 0-9%/năm, thấp hơn so với lãi suất cho vay thương mại của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính) và không cần tài sản bảo đảm.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách để giảm lãi suất cho vay đối với các chương trình tín dụng chính sách.
Đại diện Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao – Công an TP.HCM (PA05) cho biết, thời gian gần đây, đơn vị phối hợp cùng các lực lượng liên quan đã triệt phá hàng loạt app cho vay lừa đảo, khủng bố người vay.
Ngoài những app cho vay đã bị triệt phá, hiện nhiều mô hình tương tự cũng đã được đưa vào diện điều tra. Phân tích về hành vi đòi nợ với thủ đoạn khủng bố tinh thần người vay trên mạng và qua các cuộc gọi, đại diện PA05 cho rằng, về bản chất có sự liên hệ mật thiết với các hoạt động tín dụng đen. Đây là hình thức biến tướng từ tín dụng đen truyền thống.
Các đối tượng tín dụng đen triệt để lợi dụng môi trường hoạt động nhằm tiếp cận nhiều nạn nhân hơn. Để đối phó với cơ quan chức năng, thay vì cho vay nặng lãi trực tiếp bằng tiền mặt, các băng nhóm tín dụng đen trên mạng thường núp bóng với danh nghĩa các công ty tài chính, công ty công nghệ, công ty tư vấn luật… từ đó phát hành các ứng dụng, website cho vay nặng lãi trực tuyến và tổ chức mua bán, đòi nợ, thu hồi nợ với hình thức khủng bố tinh thần của người vay, thân nhân người vay.
Bên cạnh núp bóng các danh nghĩa hợp pháp, để tiếp cận được nhiều nạn nhân, các đối tượng sử dụng không gian mạng như một kênh quảng cáo đắc lực, từ đó giăng những cái bẫy “mật ngọt chết ruồi” như: Lãi suất thấp, giải ngân nhanh chóng, không cần gặp mặt, không cần thế chấp tài sản… Từ những mời gọi hấp dẫn này, nhiều người đã bị dẫn dụ, rơi vào vòng xoáy tín dụng đen liên hồi, không lối thoát, không có khả năng chi trả.
“Có trường hợp nạn nhân, ban đầu chỉ vay vài triệu đồng để giải quyết nhu cầu tiêu dùng nhưng trước mắt đã nợ đến hàng trăm triệu đồng, không có khả năng chi trả”, đại diện PA05 nêu ví dụ.
Về việc vì sao các đối tượng cho vay nắm rõ thông tin chi tiết của người vay và thân nhân người vay, vị này cho biết, thực chất là do người vay tự giao nộp, đưa thông tin cho các đối tượng. Gần 80% những gì đối tượng đòi nợ có được là do người vay tự giao nộp mà không hề biết.
Cụ thể, khi người vay điền thông tin bản thân lúc làm hồ sơ vay, các hồ sơ trên app, website đều bắt buộc người vay điền thông tin như: Ảnh chân dung, họ tên, năm sinh, thông tin liên hệ, nơi ở, hình ảnh căn cước công dân, các tài khoản mạng xã hội…
Tinh vi hơn, khi người vay tải các app cho vay, app sẽ yêu cầu cho phép quyền khai thác các dữ liệu trên điện thoại di động của người vay như: Danh bạ, bộ nhớ điện thoại, hình ảnh và các dữ liệu khác… Sau đó, chúng sẽ thu thập những dữ liệu quan trọng của người vay.
Các đối tượng sẽ chỉ đồng ý cho vay khi người vay đồng ý các yêu cầu trên. Việc đồng ý này đồng nghĩa với việc người vay sẽ rơi vào bẫy liên hoàn, nguy hiểm dài lâu, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn gia đình, những người xung quanh cũng bị cuốn vào vòng xoáy đó. Những thông tin nhạy cảm của người vay sẽ bị khai thác để sức ép tinh thần, buộc trả nợ vay, vay thêm…
Bọn tội phạm còn liên hệ người thân nạn nhân để mời chào cho vay, ép trả nợ thay, thậm chí mua bán, trao đổi cho các băng nhóm tín dụng khác để đưa người vay vào vòng lặp, mất khả năng trả.
Tổng Hợp
(ĐTTC, VTC)