Hiện nay Công an TPHCM, ngành xây dựng và PCCC&CNCH đặc biệt quan tâm đến việc tổng rà soát, “siết chặt” hoạt động quản lý từ giai đoạn cấp phép xây dựng đến quản lý về PCCC.
Nhiều tháng qua, người dân tại phường Linh Đông, TP Thủ Đức bức xúc phản ánh chính quyền địa phương về trường hợp hộ gia đình ông Đ.T.Q và bà Đ.H.Tr có hoạt động xây dựng nhà ở “biến tướng” chung cư mini tại đường 32 thuộc phường Linh Đông. Điều đáng nói, từ những năm 2018 và tháng 4/2019, Sở Xây dựng TPHCM và UBND quận Thủ Đức từng ban hành các quyết định xử phạt, cưỡng chế đối với công trình này. Thế nhưng, do chủ đầu tư đã có đơn xin tự nguyện khắc phục hậu quả và tự tháo dỡ phần công trình vi phạm nên việc giám sát đối với công trình “biến tướng” này kéo theo nhiều bất cập, xử lý dây dưa kéo dài. Phải đến sau khi xảy ra vụ cháy làm chết 56 người tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) vừa qua, thì việc xử lý công trình nghi vấn sai phép này mới được các cơ quan chức năng quan tâm xử lý triệt để.
Không chỉ riêng TP Thủ Đức, nhiều công trình nhà ở chỉ xin giấy phép xây dựng loại hình nhà riêng lẻ tại các quận Bình Tân, quận 7, quận 12, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh…cũng đã được chủ đầu tư (đa số là cá nhân đứng tên xin giấy phép xây dựng) “phù phép” dưới nhiều hình thức, ngăn ra nhiều phòng kiểu căn hộ chung cư mini để rao bán hoặc cho thuê, với nguồn thu nhiều tỷ đồng hàng năm.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an TPHCM), hiện toàn thành phố có hơn 42.250 nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê. Trong đó, có 4.490 cơ sở do Công an quản lý (chiếm tỉ lệ 10,63%) và 37.766 cơ sở do UBND cấp xã quản lý (chiếm tỉ lệ 89,37%). Các loại hình nhà ở này đã và đang phục vụ cho phần lớn công nhân, lao động, sinh viên trọ học, tuy nhiên hầu hết lại chưa đảm bảo về công tác PCCC và cũng không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến nguy cơ cháy rất cao.
Theo ông Tống Đức Tiến – Trưởng phòng Cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng TPHCM), quy định hiện hành yêu cầu những trường hợp thuộc diện phải duyệt PCCC. Cơ quan cấp giấy phép xây dựng cũng phải đối chiếu thiết kế thẩm duyệt và thiết kế xây dựng công trình để đảm bảo PCCC. Chỉ đối với dạng nhà ở dành cho công nhân, người lao động thuê nếu có quy mô nhỏ (khối tích 5.000 m3, xác định bằng diện tích x chiều cao) mới không thuộc diện phải duyệt PCCC. Tuy nhiên, ngay cả đối với loại hình này thì chủ đầu tư cũng phải tuân thủ theo tiêu chuẩn PCCC, đặc biệt là đối với hành lang, lối thoát hiểm. Như vậy, có thể nói về mặt quy định thì khá chặt chẽ dù chưa có quy định cụ thể cho loại hình “chung cư mini”.
Để tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động này, mới đây Thiếu tướng Lê Hồng Nam – Giám đốc Công an TPHCM đã trực tiếp chủ trì Hội nghị về công tác PCCC, trong đó chỉ đạo kế hoạch về thực hiện cao điểm tổng rà soát, kiểm tra đối với nhà trọ, chung cư mini, chung cư cũ… trên địa bàn từ nay đến cuối năm 2023. Đặc biệt, không để xây dựng sai phép, sử dụng sai công năng và sai công suất cho thuê theo thiết kế và tiêu chuẩn xây dựng. Ngay cả đối với việc đăng ký kinh doanh để đảm bảo cho công tác quản lý, giám sát của chính quyền địa phương về việc đảm bảo an toàn điện trong thiết kế, lắp đặt, sử dụng… cũng phải siết chặt. Giám đốc Công an TPHCM cũng yêu cầu Công an TP Thủ Đức và các quận, huyện của TPHCM thành lập đoàn liên ngành kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn PCCC tại các chung cư cũ có mật độ người ở đông, nguy cơ cháy cao.
Quyết liệt chỉ đạo, ông Ngô Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng vừa ký ban hành kế hoạch khẩn về rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với các cơ sở kinh doanh nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở tập thể, chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Theo kế hoạch, UBND TP sẽ thành lập các đoàn kiểm tra cấp thành phố, cấp huyện và cấp xã. Tại mỗi cấp, đại diện lãnh đạo chính quyền sẽ làm trưởng đoàn. Đối với cấp sở, ngành, chính quyền có trách nhiệm phối hợp quản lý Nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở tập thể, chung cư cũ.
Tổng Hợp
(Đại Đoàn Kết)