Theo tính toán của Sở Xây dựng TP.HCM, giai đoạn 2021-2025, TP.HCM chỉ di dời khoảng 6.500 căn nhà – một con số rất khiêm tốn, nhưng với số vốn khoảng hơn 19.200 tỷ đồng.
Câu chuyện đặt ra là lấy tiền ở đâu để làm trong khi nguồn vốn đầu tư công trung hạn của TP.HCM eo hẹp. Không những vậy, không chỉ mỗi việc di dời nhà ven kênh, rạch, TP.HCM cũng còn rất nhiều dự án giao thông trọng điểm cần đến nguồn vốn này.
“Nguồn vốn ngân sách của TP.HCM dành cho chương trình còn hạn chế, không đủ so với nhu cầu. Phần lớn các tuyến rạch không được mở rộng hơn so với biên chỉnh trang nên không tạo được quỹ đất có giá trị thương mại, khó hấp dẫn nhà đầu tư nên phải dùng vốn ngân sách. Nhóm dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách lại chiếm tỷ trọng lớn với 62%”, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân nói.
Ngoài ra, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 đã thay đổi, không thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) như trước đây. Do thiếu cơ chế, chính sách mà các nhà đầu tư cũng không mấy mặn mà.
Đơn cử là trường hợp khu vực phía Nam kênh Đôi (quận 8) với nhu cầu di dời hơn 8.000 căn nhà, thời gian đầu một số nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án nhưng sau đó cũng rút lui. Nguyên nhân là do quy định hiện hành, nhà đầu tư phải lo quỹ nhà tái định cư trước khi tiến hành đền bù giải tỏa.
PGS.TS Nguyễn Minh Hoà, Hội Quy hoạch Phát triển TP.HCM nhìn nhận, người dân không muốn di dời là do việc tái định cư làm cho họ mất “vốn xã hội” và bị tách ra khỏi “mạng lưới xã hội” đã có từ trước. Khi họ bị tách ra khỏi cộng đồng quen thuộc vốn đã sống rất lâu thì cũng là mất đi những mối làm ăn.
Điển hình nhất là dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè di dời giải toả hơn 7.000 hộ dân với gần 50.000 nhân khẩu vào sống trong các chung cư. Nhưng sau khoảng 10 năm số người dân còn sống ở chung cư chỉ còn dưới 50%.
Nguyên nhân được nêu ra là khi sống ở các chung cư họ mất cơ hội mưu sinh. Sống ở trên kênh rạch, đúng là có nhếch nhác, bẩn thỉu nhưng họ lại có chỗ phơi các loại bao túi nilon, giấy vụn nhặt được, có chỗ bán hàng ngay ở cửa nhà, dễ dàng khi đi bán hàng rong và làm thợ đụng. Ở chung cư họ không có chỗ để xe ba gác, xích lô, xe hủ tiếu, mì gõ. Ở căn hộ chung cư sạch, đẹp nhưng khó kiếm tiền vì mất hẳn không gian mưu sinh trước đây.
Không những vậy, khi chuyển lên căn hộ chung cư, người dân phải chi nhiều tiền cho các loại dịch vụ quản lý mà khi ở trên kênh không phải trả như dịch vụ bảo vệ, đèn chiếu sáng, bơm nước, gửi xe, tưới cây, vệ sinh công cộng, đổ rác… chi phí những khoản trên này ít nhất cũng phải trả 300-400.000 đồng/tháng…
Với người nghèo, chỗ ở cũng là chỗ để sản xuất, làm ăn, trong khi căn hộ dành cho tái định cư rất nhỏ thường là 42m2, lớn hơn cũng chỉ 60m2. Mặt khác nhân khẩu của các hộ gia đình rất cao khoảng 6-7 người/hộ. Như vậy, tính ra mỗi đầu người chỉ khoảng 4,7m2, không thoả mãn được nhu cầu thực tế của người dân.