Thị trường địa ốc đang suy yếu sau gần hai năm chống chọi với dịch COVID-19, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính gần như không còn khả năng để “gồng”. Thị trường bất động sản phía Nam xuất hiện tình trạng bán giảm giá, cắt lỗ đất nền, nhà phố và biệt thự.
Làn sóng bán tháo bất động sản sẽ chưa xảy ra, ít nhất là từ nay đến cuối năm 2021. Bởi bất động sản là một tài sản lớn, có những người phải dành dụm rất lâu mới có được. Do đó, họ sẽ giữ tài sản bằng mọi giá như đi vay mượn bạn bè, người thân. Ngọai trừ số ít các nhà đầu tư chuyên mua đi bán lại.
Bước sang tháng 8, sức chịu đựng của các nhà đầu tư đã yếu dần. Thống kê của DKRA cho thấy, thị trường đã xuất hiện tình trạng bán giảm giá, cắt lỗ ở một số phân khúc.
Cụ thể, ở phân khúc đất nền trong tháng 8, thị trường TP HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận duy nhất một dự án mở bán mới, cung cấp ra thị trường 23 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 26%. Nhiều chủ đầu tư đã đưa ra nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn nhằm kích cầu thị trường. Tuy nhiên, theo nhận định của đơn vị này, do trong thời gian qua các tỉnh thành phía Nam áp dụng giãn cách toàn xã hội nên tình hình sức cầu thị trường không có nhiều khởi sắc.
Ngoài ra, các chủ đầu tư và sàn môi giới nhanh chóng thích ứng với kế hoạch bán hàng online. Song, bất động sản là tài sản có giá trị lớn, mang tính đặc thù riêng, việc trao đổi thông tin về sản phẩm, đưa ra quyết định mua bán cần có thời gian, xem xét pháp lý, khảo sát thực tế dự án,… mới có thể xuống tiền. Cùng với đó, thị trường thứ cấp kém sôi động, thanh khoản ở mức rất thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thị trường đã xuất hiện việc một số nhà đầu tư giảm giá, cắt lỗ hoặc giảm một phần lợi nhuận để tạo thanh khoản do chịu áp lực từ lãi vay. “Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và các tỉnh thành tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16, rất có thể thị trường sẽ xuất hiện việc bán tháo, giảm giá bất động sản trên diện rộng”, DKRA dự báo.
Phân khúc nhà phố và biệt thự tại TP HCM và các tỉnh giáp ranh cũng khan hiếm nguồn cung mới trong tháng 8. Nhiều dự án phải dời thời gian mở bán do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh và lệnh giãn cách xã hội tại nhiều địa phương khiến nguồn cung và sức cầu thị trường sụt giảm mạnh. Các chủ đầu tư dần chuyển sang hình thức bán hàng, ráp căn online tuy nhiên vẫn không hiệu quả như hình thức bán hàng truyền thống.
Riêng tại TP HCM, thị trường nhà phố và biệt thự ghi nhận sự trầm lắng kéo dài. Đây là tháng thứ hai liên tiếp thị trường không ghi nhận nguồn cung mới mở bán. “Sức cầu chung toàn thị trường giảm mạnh. Giao dịch thứ cấp kém sôi động và tiếp tục có xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thị trường đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu giảm giá bán, cắt lỗ,… của một bộ phận khách hàng do chịu áp lực từ lãi vay, trong khi hiện nay các nguồn thu nhập bị giảm mạnh do tác động của dịch bệnh”, DKRA nhận định.
Thị trường bất động sản đang chững lại sau gần hai năm chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh trên, việc phân bổ dòng tiền vào phân khúc nào để đem lại hiệu quả đang là một vấn đề được không ít các nhà đầu tư quan tâm. Bởi trong thời gian tới, nhiều hành vi về tiêu dùng, đầu tư, đi lại,… của con người được dự báo sẽ có nhiều thay đổi so với trước đây. Trong khi đó cũng có những người đang đi săn tìm tài sản của những nhà đầu tư đang gặp khó khăn về tài chính. Những tài sản đó đa phần là những tài sản rất có giá trị, bình thường giá không rẻ và cũng không mấy ai bán ra. Bây giờ thị trường xuất hiện cơ hội thì nhiều nhà đầu tư sẽ nắm bắt cơ hội để mua.
Nhật Hạ