Ngày 30/9, TP HCM chính thức công bố nới lỏng, mở lại nhiều hoạt động kinh doanh từ 1/10. Đây là tin vui với doanh nghiệp, người lao động ở TP HCM và các tỉnh lân cận khi trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước mở cửa trở lại. Trái ngược chuyện mở cửa: Thay vì đổ về TP làm việc người lao động lại lũ lượt về quê…
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP HCM, chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 9 giảm 63,3% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng lực lượng lao động giảm 22,1% so với cùng kỳ.
Các ngành có chỉ số lao động giảm so với cùng kỳ như: sản xuất đồ uống giảm 44,3%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 32,9%; sản xuất xe có động cơ giảm 31,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 26,8%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 25,7%.
Ngay từ tối 30/9, hàng nghìn người dân đã đi xe máy tập trung về điểm chốt khu vực giáp ranh với TP HCM và Long An (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) tuyến Quốc lộ 1A để về quê. Hình ảnh hàng nghìn xe máy xếp dài trước chốt kiểm soát cho thấy ngoài thách thức kiểm soát dịch COVID-19, TP HCM sắp tới còn phải đối mặt với bài toán thiếu lao động. Đây sẽ không chỉ là vấn đề riêng của TP HCM, bởi đầu tàu kinh tế đóng góp GDP nhiều nhất cho cả nước, với khoảng 22,3%.
Số lượng lớn công nhân lao động di chuyển về quê tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp như: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Điều này cho thấy nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn trong và sau dịch, nhất là các ngành thâm dụng lao động như da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử,… Tác động của dịch COVID-19 trong 5 tháng gần đây đã làm ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, việc làm, hoạt động kinh tế, dịch vụ và cả các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ,… khiến chỉ còn 700 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ,” “1 cung đường, 2 điểm đến” với 600.000 lao động. Số doanh nghiệp còn lại cùng với hơn 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương và hơn 660.000 lao động tự do cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch.
Hôm 1/10, Sở GTVT TP HCM đề xuất UBND TP chấp thuận cho người lao động di chuyển liên vùng bằng xe cá nhân nếu có chứng nhận tiêm vắc xin và kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực. Đến ngày 2/10, UBND TP HCM gửi công văn khẩn đề nghị UBND tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh xem xét, thống nhất phương án cho người lao động di chuyển liên tỉnh. Theo đó phương án đề xuất là tổ chức vận chuyển bằng ôtô đối với công nhân, chuyên gia do doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh đến trụ sở sản xuất đóng trên địa bàn TP và ngược lại.
Công nhân, chuyên gia phải đảm bảo đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin sau 14 ngày; hoặc F0 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV định kỳ 7 ngày/lần. Với phương án tổ chức vận chuyển bằng xe cá nhân (ôtô, môtô, xe máy), người ngồi trên xe phải phải đảm bảo đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin sau 14 ngày; hoặc F0 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV định kỳ 7 ngày/lần. Người tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-Covid chính thức đưa vào hoạt động).
Trường hợp không có mã QR, người lưu thông xuất trình một trong các giấy tờ chứng minh đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin sau 14 ngày; hoặc F0 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; khi được cơ quan chức năng yêu cầu. Hiện 4 tỉnh lân cận vẫn chưa phản hồi đề xuất này của TP HCM. Nếu các phương án trên được chấp thuận, sẽ tạo thuận lợi hơn cho người lao động muốn làm việc tại TP HCM. Tại tọa đàm “Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch”, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết TP HCM cùng các tỉnh, thành phố phía nam phải tiếp tục tiêm vắc xin để sản xuất an toàn, thu hút lao động và cần có chính sách bảo đảm sản xuất an toàn để người lao động yên tâm làm việc.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)