TP.HCM được biết đến là nơi “tấc đất, tấc vàng”, khu vực trung tâm rất khan hiếm quỹ đất, song vẫn còn nhiều khu đất đã được quy hoạch hoặc đang làm thủ tục triển khai đầu tư dự án, nhưng đang để cỏ mọc vì vướng thủ tục pháp lý.
Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 143 dự án đang gặp vướng mắc pháp lý khiến các chủ đầu tư và người mua nhà tại những dự án này rất khó khăn, bức xúc.
Mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh, thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất chính là pháp lý, nếu không có giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả, thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng và có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
Nhằm khơi thông thị trường bất động sản, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở.
Việc khơi thông dòng vốn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp là biện pháp thực sự cần thiết để cứu thanh khoản thị trường, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, đây chỉ là sự hỗ trợ trước mắt, còn giải pháp căn cơ, mang tính bền vững, giúp doanh nghiệp duy trì nguồn lực, sớm vực dậy trong bối cảnh khó khăn hiện nay vẫn là khơi thông thủ tục pháp lý dự án.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn đầu Tư Savills Việt Nam cũng cho rằng, thị trường bất động sản đã đối mặt với khó khăn về mặt pháp lý trong nhiều năm qua. Do đó, để thị trường có thể phục hồi mạnh mẽ trở lại, cần có hỗ trợ về pháp lý trong việc phát triển dự án cho các doanh nghiệp.
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết có thể chia các dự án đang vướng pháp lý trên địa bàn thành 3 nhóm để từng bước tháo gỡ.
Thông tin trên được ông Quân nêu tại đại hội Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) lần thứ IV nhiệm kỳ 2022-2027, chiều 16/12. Theo đó, ông cho rằng các vướng mắc trên có thể chia làm 3 nhóm: không thể thực hiện được; giải quyết được và cuối cùng là hồ sơ cần báo cáo cấp trên xem xét. Trên cơ sở đó, thành phố xác định các giải pháp cụ thể, tập trung tháo gỡ khó khăn pháp lý của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản.
Ông Quân đề nghị HoREA khi thực hiện các báo cáo, kiến nghị trong thời gian tới cần xác định thẩm quyền giải quyết trách nhiệm của các sở, nghành, đơn vị liên quan đồng thời đề xuất cụ thể phương hướng giải quyết phù hợp quy định pháp luật đối với từng trường hợp.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS VN, cho rằng một trong những tín hiệu tích cực tác động mạnh đến thị trường là những chỉ đạo liên tiếp và rất mạnh mẽ của Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này. Trong đó công điện ngày 14.12 của Thủ tướng Phạm Minh Chính là khá mạnh mẽ, toàn diện trong tháo gỡ khó khăn mà thị trường BĐS đang phải đối mặt. Thông tin này giúp các DN, nhà đầu tư gia tăng chỉ số niềm tin, sự lạc quan vào thị trường. Hiện các bộ ngành cũng đã có những giải pháp cụ thể.
Như mới đây Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế. Trong đó đáng chú ý là đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, cho phép các trái phiếu phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn với thời gian tối đa là 2 năm, cho phép DN phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác. Điều này sẽ giúp thị trường tài chínhổn định trở lại về mặt thanh khoản. Khi thị trường tài chính ổn định, thị trường BĐS được hưởng lợi, giúp DN BĐS “dễ thở” hơn. Trước đó Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5 – 2%. Như vậy sẽ có thêm khoảng 200.000 tỉ đồng vốn cho nền kinh tế. BĐS cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ dòng tiền nới room này. Bước sang năm 2023, với chỉ tiêu room tín dụng mới, thị trường BĐS sẽ đón nguồn tiền lớn từ phía nhà băng. Đây là động lực thúc đẩy thị trường “phá băng”.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư, Thanh Niên)