Các nội dung góp ý điều chỉnh được UBND TP. HCM gửi Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ sung, đưa vào dự thảo để tổng hợp trình Chính phủ.
TP. HCM đề xuất giảm 50% mức thuế suất VAT của 3 tháng cuối năm 2021 và các năm 2022, 2023. Đồng thời, đề xuất kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế đến hết quý II năm 2022. Không phạt tiền chậm khai thuế trong năm 2021 do ảnh hưởng của giãn cách xã hội để phòng chống dịch theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Cơ quan thuế địa phương chủ động thực hiện theo thẩm quyền và không yêu cầu người nộp thuế lập hồ sơ đề nghị.
Về tiền thuê đất, TP. HCM đề xuất giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với tất cả doanh nghiệp, riêng đối doanh nghiệp thuộc ngành du lịch và liên quan du lịch được giảm 100% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021.
Liên quan đến việc hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, TP. HCM kiến nghị Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ sung vào dự thảo điều khoản giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp theo hướng lãi suất cho vay không cao hơn 2% so với lãi suất huy động tiền gửi; có chính sách hỗ trợ vay tái cấp vốn, vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh, bảo lãnh thanh toán các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu với mức lãi suất 0% cho các doanh nghiệp khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ, cho vay ưu đãi, gia hạn thời gian thanh toán nợ…
TP. HCM kiến nghị giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021, tiếp tục giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, 2023 cho các doanh nghiệp có doanh thu năm dưới 200 tỷ đồng. Chấp nhận được trừ vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp tất cả các chi phí phòng chống dịch của doanh nghiệp như: chi phí xét nghiệm Covid-19 và điều trị y tế (nếu có); chi phí ăn uống, sinh hoạt; chi phí đồ bảo hộ cá nhân như khẩu trang, mặt nạ, nước khử khuẩn; chi phí khách sạn để cách ly…
Về thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, TP. HCM đề xuất hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021, năm 2022 và năm 2023. Đồng thời kiến nghị bổ sung miễn thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động có thu nhập từ tiền lương tiền công thuộc diện nộp thuế bậc 1 và 2.
Trước đó, TP. HCM đánh giá cao nỗ lực xây dựng Hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tuy nhiên, với điều kiện đặc thù của TP. HCM, UBND TP. HCM kính đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép TP. HCM áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế. TP. HCM sẽ phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng.
UBND TP. HCM cũng mong Chính phủ quan tâm ưu tiên vắc xin cho TP. HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của hướng dẫn. Trước đó, UBND TP. HCM đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP. HCM từ sau ngày 15/9/2021 để xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, tham vấn ý kiến chuyên gia, người dân. Theo đó, việc mở cửa nền kinh tế phải phải bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân; “an toàn tới đâu thì mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”.
Về lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế, TP. HCM dự kiến thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16/9 đến 31/10), các cá nhân, lao động có “thẻ Xanh Covid” có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại). Cá nhân, lao động có “thẻ Vàng Covid”, có xét nghiệm âm tính với Covid-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể. Riêng tổ chức có 100% lao động có “thẻ Xanh Covid” được tham gia tất cả các lĩnh vực (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại). Tổ chức có 100% lao động có “thẻ Xanh Covid” tại bộ phận có tiếp xúc người ngoài, có lao động có “thẻ Xanh Covid” hoặc “thẻ Vàng Covid” tại các bộ phận còn lại được tham gia một số hoạt động.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 31/10 đến 15/1/2022): TP. HCM sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có “thẻ Xanh Covid” gồm: trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).
Giai đoạn 3 (dự kiến sau 15/1/2022): TP. HCM lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có “thẻ Xanh Covid”.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)