Theo UBND TP.HCM, đối với các công trình đã có chủ trương chưa kịp hoàn thành, chủ đầu tư phải có phương án, biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình khi có lũ, bão xảy ra; đối với các công trình sử dụng nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai TP đã có chủ trương của UBND TP, hoàn thành trước ngày 30/6/2020.
Ngày 26/5, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, UBND TP vừa có văn bản yêu cầu UBND các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và các quận 4, 7, 8, 12, Thủ Đức, Gò Vấp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, triển khai thi công các công trình và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh để sớm hoàn thành việc lập hồ sơ, tổ chức thẩm định, phê duyệt và triển khai thi công hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình phòng chống thiên tai trong các đợt triều cường, mưa lũ cuối năm 2020, bảo vệ an toàn đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trên địa bàn TP.
Đối với các công trình đã có chủ trương chưa kịp hoàn thành, chủ đầu tư phải có phương án, biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình khi có lũ, bão xảy ra; đối với các công trình sử dụng nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai TP đã có chủ trương của UBND TP, hoàn thành trước ngày 30/6/2020.
Tình trạng ngập nặng ở một số khu vực tại TP.HCM thường xuyên diễn ra khi có mưa lớn hay triều cường dâng. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ các dự án giải phóng mặt bằng, di dời dân để sớm triển khai các công trình phòng, chống thiên tai xung yếu, cấp bách, không để kéo dài nhiều năm, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân đang sinh sống trong các khu vực bị ảnh hưởng của sạt lở, triều cường, ngập úng.
UBND TP cũng yêu cầu các quận – huyện chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ, bố trí cán bộ, lực lượng quản lý đê nhân dân tổ chức trực ban và thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát các công trình xung yếu trên địa bàn đế kịp thời phát hiện, xử lý ngay giờ đầu những vị trí có nguy cơ tràn bờ, bế bờ bao, sạt lở, ngập úng theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Ngoài ra, UBND TP.HCM sẽ phối hợp với tỉnh Long An thực hiện đầu tư nạo vét toàn tuyến công trình kênh Ranh Long An (ranh giới giữa TPHCM và tỉnh Long An) bắt đầu từ kênh Xáng Thầy Cai đến kênh An Hạ (kênh Rau Răm).
Theo đó, UBND TP giao Sở NN&PT Nông thôn TP.HCM rà soát hạng mục đầu tư công trình thủy lợi kênh Ranh Long An thuộc dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi Hóc Môn – Bắc Bình Chánh đảm bảo không trùng lắp với các hạng mục đầu tư do tỉnh Long An thực hiện;
Thống nhất với Sở NN&TP Nông thôn tỉnh Long An về quy mô, giải pháp và phương thức tổ chức triển khai dự án và việc phối hợp thực hiện đầu tư trên toàn tuyến kênh Ranh Long An đảm bảo kết nối đồng bộ, đáp ứng mục tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát nước, phòng, chống thiên tai và cải thiện ô nhiễm môi trường phục vụ phát triển của tỉnh Long An và TP.HCM.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu UBND các huyện Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn phối hợp với tỉnh Long An tổ chức bàn giao mặt bằng thi công thuộc phạm vi quản lý của địa phương trong quá trình triển khai dự án.