Theo TS. Lê Quốc Hùng, TP.HCM cùng 7 tỉnh khác sẽ là “bát giác kim cương”, đồng thời vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ về đích sớm hơn ít nhất 10 năm so với cả nước trong mục tiêu Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2035.
TS. Lê Quốc Hùng phát biểu tại hội thảo “Sức bật từ các đại đô thị”.
Sáng nay (24/9), tại TP.HCM, Tạp chí Nhà đầu tư và Tạp chí điện tử Nhadautu.vn đã tổ chức Hội thảo “Sức bật từ các đại đô thị”.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Lê Quốc Hùng – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, Bộ Xây dựng cho biết, 8 tỉnh thành gồm TP.HCM cùng các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang là đầu tàu của nền kinh tế và công nghiệp Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn bình quân chung cả nước, là “vùng lõi ” sản xuất công nghiệp và là trung tâm thu hút vốn FDI của cả nước.
Ông Hùng phân tích rằng, cả nước quy hoạch 326 khu công nghiệp, đến nay có 250 khu công nghiệp đi vào hoạt động thì riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 129 khu công nghiệp đang hoạt động. Bên cạnh đó, vùng này còn là nơi tập trung gần 100 cụm công nghiệp. Đồng thời, nếu Việt Nam thu hút vốn đầu tư FDI được 345 tỷ USD thì có hơn 173 tỷ USD “đổ ” vào khu vực này và đây vùng tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
“Theo dự báo, tới năm 2050, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, trong đó vai trò của TP.HCM cực kỳ lớn”, lãnh đạo Bộ Xây dựng nói.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng để đạt được sự tăng trưởng này, Chính phủ của các nền kinh tế đang phát triển này cần thực hiện cải cách cơ cấu để cải thiện nền tảng và thể chế kinh tế vĩ mô, đầu tư cho giáo dục, hạ tầng và công nghệ.
Ông Hùng cho biết, ngay sau tình hình đại dịch COVID-19 vừa được ổn định, vào ngày 30/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn lãnh đạo chính phủ và các địa phương trong vùng đã họp tại Bà Rịa Vũng Tàu, điều này một lần nữa tái khẳng định tầm quan trọng của vùng KTTĐPN trong phát triển của Việt Nam.
“Theo đó, TP.HCM cùng 7 tỉnh còn lại sẽ là “bát giác kim cương”, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ về đích sớm hơn ít nhất 10 năm so với cả nước trong mục tiêu Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tức là trở thành một vùng hùng cường vào năm 2035”, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết.
Sự phát triển nhanh chóng của TP.HCM và các vùng đô thị xung quanh như tỉnh Bình Dương (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên). Đồng Nai (Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom, nhơn trạch) và Long An (Đức Hòa, Hậu Nghĩa, Bến Lức, Cần Đước) đang theo xu hướng hình thành một đại đô thị vùng trung tâm với hạt nhân là TP.HCM với bán kính 30km từ trung tâm.
Về việc lập quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM, ông Hùng cho biết, động thái này nhằm phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của vùng, hướng tới là một vùng kinh tế – đô thị phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế.
Tầm nhìn đến năm 2050, vùng TP.HCM chắc chắn sẽ trở thành vùng đô thị lớn và là động lực phát triển kinh tế hàng đầu của quốc gia. Đồng thời có vai trò là trung tâm kinh tế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương.
“Dự báo đến năm 2050, dân số đô thị sẽ đạt khoảng 23 – 24 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 75 – 80%”, TS. Lê Quốc Hùng phân tích.