Sau gần 3 thập niên bình thường hóa quan hệ, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng phát triển toàn diện, trong đó quan hệ thương mại đầu tư không ngừng được cải thiện.
Ngoài các lý do về chính sách khác biệt với Tổng thống Trump nêu ở trên, một số nhà bình luận cho rằng ông Biden đã tạo ra sức hút cá nhân độc đáo. Khác với Thượng nghị sĩ Clinton, ông Biden có phong cách giản dị và bình dân gần gũi với cử tri thuộc tầng lớp trung lưu và lao động nghèo vốn chiếm thành phần đa số trong đảng Dân chủ.
Trong suốt quá trình vận động tranh cử, ông Biden đã liên tục nhấn mạnh rằng Mỹ cần “gia cố chuỗi cung ứng” của mình, nhất là khi Covid-19 đã phơi bày hàng loạt điểm yếu của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia Lê Duy Bình cho biết, nếu ông Trump đã đặt ra tiền đề ban đầu và kích hoạt cho việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, thì ông Joe Biden vẫn tiếp tục xu hướng này do những lợi ích của chính nền kinh tế Mỹ. Sự khác biệt có thể ở chỗ cách thể hiện của ông Biden sẽ “mềm mỏng” hơn.
Việc thiết lập lại chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục được duy trì, ông Bình cho rằng, nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội sẽ tiếp tục hưởng lợi.
“Như chúng ta đề cập rất nhiều thời gian qua, Việt Nam cực kỳ có lợi thế khi kiểm soát tốt dịch Covid-19, là một điểm đến an toàn của nhà đầu tư trong quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng” – ông Bình nhấn mạnh.
Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán tháng 11, chuyên gia Mirae Asset cho hay: Cuối cùng, cho dù ông Trump hay Biden thắng cử, Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng, vốn khó bị đảo lộn trong trung hạn.
Một số chuyên gia kỳ vọng việc Biden khôi phục lại Hiệp định thương mại TPP (nay là CPTPP) mà ông Trump đã loại bỏ 4 năm trước. Tuy nhiên, ông Bình đánh giá cơ hội này không quá cao dù ông Biden có quan điểm cởi mở về tự do thương mại.
Khác với ông Trump, khi tranh cử, ông Biden cho thấy sự ủng hộ tự do hoá thương mại toàn cầu, giảm bớt các chính sách bảo hộ. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá trông chờ việc Mỹ quay trở lại CPTPP, ông Bình nhận định. Trong khi đó, Việt Nam cũng đã ký rất nhiều hiệp định thương mại, việc cần làm là cần “tận dụng tốt” những hiệp định đã ký.
Một vấn đề lớn khác được nhiều người quan tâm, đó là vấn đề thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ liên tục tăng cao. Liệu vấn đề này có được chú ý trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, chuyên gia Lê Duy Bình cho rằng “có thể sẽ có nhưng chúng ta kỳ vọng vào sự mềm mỏng, nhẹ nhàng hơn”.
Nhiệm kỳ vừa rồi, Tổng thống Trump đã khá thành công trong việc giữ vững và thúc đẩy hơn nữa đà tăng trưởng kinh tế bắt đầu từ cựu Tổng thống Obama. Tính đến thời điểm trước khi dịch cúm xảy ra, tỷ lệ thất nghiệp ở mức rất thấp và thị trường chứng khoán đi lên trong một thời gian dài cũng kỷ lục. Tuy nhiên, ngoài các điểm mạnh đó, Tổng thống Trump chưa thuyết phục được giới trí thức cấp tiến và tầng lớp trung lưu ở Mỹ rằng ông xứng đáng một nhiệm kỳ nữa.
Về mặt đối nội, ông đưa ra các chính sách chủ yếu phục vụ cho nhóm cử tri của mình thay vì bao gồm cả quốc gia (ví dụ, ông chưa mạnh mẽ lên tiếng hơn nữa để phản đối các nhóm da trắng kỳ thị chủng tộc, hay xóa bỏ nhiều đạo luật bảo vệ môi trường).
Về đối ngoại, ông cũng làm mất lòng nhiều đồng minh thân cận lâu năm như khối EU, hay Canada và Mexico khi đề nghị đàm phán lại hiệp ước thương mại bắc Mỹ NAFTA, hay có quyết định rút quân đột ngột mà chưa tính kỹ đến cân bằng quyền lực ở Syria. Ngoài ra, về mặt cư xử hành vi cá nhân, ông cũng có nhiều tuyên bố thẳng thắn làm mất lòng nhiều người. Nhưng một yếu tố có lẽ quan trọng hàng đầu là đa số người dân Mỹ cho rằng ông chưa kiểm soát tốt được dịch Covid-19 thời gian qua, dẫn tới tỷ lệ tử vong ở Mỹ cao bậc nhất trên thế giới.
ông Đặng Hoàng Hải Anh, Giáo sư thỉnh giảng ĐH Indiana, Hoa Kỳ cho rằng: Khi ông Biden chính thức trở thành Tổng thống, có lẽ các chính sách của ông sẽ còn thuận lợi hơn cho Việt Nam so với Tổng thống Trump. Có vài lý do như vậy.
Thứ nhất, ông Biden, và đảng Dân chủ có xu hướng ủng hộ các khối liên minh ở châu Á để giúp Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc. Theo hướng đó, nhiều khả năng ông sẽ khôi phục lại Hiệp định thương mại TPP (trong khi Tổng thống Trump hủy bỏ hiệp định này). Quan hệ thương mại giữa chính quyền Biden và Việt Nam nhiều khả năng không chỉ dựa trên yếu tố hai bên cùng có lợi, mà còn có thể có những ưu đãi nhất định, vì Mỹ cần một đối tác với lợi thế địa chính trị như Việt Nam.
Thứ hai, chính quyền Biden sẽ tiếp tục một cách nhất quán và ổn định hơn các chính sách thương mại của Mỹ (so với Tổng thống Trump thường hay có các quyết định bất ngờ khó đoán trước). Tổng thống đắc cử Biden từng giữ vị trí phó tổng thống suốt hai nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Obama, nên ông dễ có nhiều thiện cảm với Việt Nam.
Cuối cùng thì đảng Dân chủ có thể sẽ coi trọng các chính sách phát triển bền vững bảo vệ môi trường hơn. Trong khi đó, Việt Nam đang chịu thiệt hại ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, nên trong chừng mực nhất định, Việt Nam cũng có thể hưởng lợi nhiều hơn.
Thế giới vừa được chứng kiến một cuộc bầu cử Tổng thống kịch tính và đặc biệt nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ngay từ ban đầu, sự kiện này đã quá đặc biệt khi diễn ra trong năm đại dịch có một không hai, hai ứng viên đều lớn tuổi nhất trong lịch sử và nhiều điều khác chưa từng có trong tiền lệ.