Thống kê số liệu từ báo cáo tài chính sau soát xét của 29 ngân hàng cho thấy tổng dư nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đến thời điểm 30/6 ghi nhận ở mức hơn 76.857 tỷ đồng, giảm 3% so với cuối năm 2020.
Sự phân hoá rõ nét được thể hiện qua mức tăng trưởng của nợ nhóm 5 tại các ngân hàng. Trong số 29 nhà băng khảo sát, có một nửa ghi nhận nợ nhóm 5 tăng và một nửa ghi nhận giảm. Những ngân hàng lại có chỉ tiêu nợ nhóm 5 tăng mạnh, thậm chí lên mức 3 con số như Nam A Bank (tăng 125%) hay VietinBank (tăng 103%). Các ngân hàng có mức tăng dưới 40% như ABBank (tăng 39%), HDBank (tăng 32%), SHB (tăng 29%),…
Ở chiều ngược lại, có tới 15 ngân hàng ghi nhận giảm nợ có khả năng mất vốn trong nửa đầu năm. Trong đó, Kienlongbank là ngân hàng giảm mạnh nhất với nợ nhóm 5 tính đến ngày 30/6 ở mức 436 tỷ đồng, giảm đến 4 lần so với đầu năm. Tuy nhiên, Kienlongbank là trường hợp đặc biệt bởi nợ nhóm 5 bị ảnh hưởng bởi khoản nợ 1.800 tỷ đồng khó đòi trong lịch sử. Nợ có khả năng mất vốn đã tăng vọt trong năm 2019 nhưng hiện đã xử lý được toàn bộ khoản nợ này nên con số cũng giảm mạnh tương ứng. Ngoài Kienlongbank, nợ có khả năng mất vốn của nhiều ngân hàng cũng giảm mạnh so với đầu năm như SCB (giảm 67%), MB (giảm 59%), VPBank (giảm 46%), Techcombank (giảm 38%),…
Top 10 ngân hàng nhiều nợ nhóm 5 nhất gồm BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank, SHB, Sacombank, SCB, Eximbank và VIB. Tổng nợ nhóm 5 của 10 ngân hàng này lên tới 63.501 tỷ đồng, chiếm đến 82,6% tổng nợ nhóm 5 của 29 ngân hàng khảo sát. Trong đó, 4 “ông lớn” dẫn đầu bảng xếp hạng với tổng dư nợ có khả năng mất vốn là 47.457 tỷ đồng, tăng 9,7% so với đầu năm.
BIDV là ngân hàng có nhiều nợ có khả năng mất vốn nhất với 15.690 tỷ đồng, dù đã giảm 5% so với cuối năm 2020. Xếp thứ 2 là Agribank với 14.311 tỷ đồng nợ nhóm 5, giảm đến 13% so với cuối năm ngoái. Theo sau đó là VietinBank và Vietcombank với mức dư nợ lần lượt là 12.294 tỷ đồng (tăng 103%) và 5.162 tỷ đồng (tăng 20%). Về khối ngân hàng TMCP, SHB là nhà băng có nhiều nợ nhóm 5 nhất với 4.911 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm. Tiếp đến là Sacombank và SCB với mức nợ có khả năng mất đều trên 2.000 tỷ đồng.
Top 10 ngân hàng nhiều nợ có khả năng mất vốn nhất gồm BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank, SHB, Sacombank, SCB, Eximbank và VIB.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến tăng lên xấp xỉ 8% và những hệ luỵ của nó có thể kéo dài sang năm 2022. “Nợ xấu, kể cả nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn giảm mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2020 và đặc biệt năm 2021, NHNN đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn”, Phó Thống đốc cho biết.
Sau khi áp dụng Nghị quyết 42, nợ xấu ngân hàng đã giảm mạnh. Trong năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng là 2,46%; năm 2017 là 1,99%; năm 2018 là 1,91%; năm 2019 là 1,63% và năm 2020 là 1,76%. Nếu tính cả khoản nợ đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn thì số liệu năm 2016 là 10,58%, năm 2017 còn 7,36%, năm 2018 là 5,85%, năm 2019 là 4,43% và năm 2020 là 3,81%.
Theo Phó Thống đốc, NHNN đã đặt ra mục tiêu tỷ lệ nội xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn về dưới 3% trên tổng dư nợ nhưng do COVID-19, đến cuối năm 2020, tỷ lệ này vẫn trên 3%. “Nếu không có COVID-19 thì chắc chắn ngành ngân hàng sẽ đạt được chỉ tiêu này. Khi nền kinh tế gặp khó khăn do COVID-19, doanh nghiệp và người dân không thể trả nợ ngân hàng thì đương nhiên sẽ phát sinh nợ xấu”, Phó thống đốc bày tỏ.
Ngoài chỉ tiêu về nợ xấu chưa hoàn thành, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng chỉ ra hai chỉ tiêu khác mà NHNN chưa thực hiện được khi thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống giai đoạn 2016 – 2020 là tỷ lệ thu nhập dịch vụ/tổng thu nhập của ngân hàng và việc đưa tất cả ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo đó, tỷ lệ thu nhập dịch vụ/tổng thu nhập của ngân hàng ghi nhận tại năm 2016 là 7,8% và mục tiêu đặt ra cho năm 2020 sẽ tăng gấp đôi, đạt khoảng 15%. Thực tế cho thấy đến cuối năm 2020, con số này chỉ đạt xấp xỉ 12%.
Lý giải về việc số tuyệt đối tăng lên rất nhiều nhưng số tương đối lại không đạt, Phó Thống đốc NHNN cho biết trong giai đoạn này, nhu cầu vốn tín dụng trong nền kinh tế tăng mạnh, các ngân hàng gia tăng cho vay. Dẫn đến mức thu nhập tín dụng tăng nhanh hơn thu nhập phi tín dụng.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)