Giá nhà đất tăng nhanh, đặc biệt tại các trung tâm thành phố khiến nhiều người khó mua nhà. Trung bình, giá rao bán một căn hộ chung cư bình dân tại Hà Nội là khoảng 25 triệu/m2. Còn tại TP.HCM, để mua được một căn hộ bình dân, người mua phải chuẩn bị một khoản tiền là 32 triệu/m2 – tương đương với một căn hộ trung cấp ở Thủ đô.
Sốt ruột nhìn giá nhà đất tăng qua từng năm, nhiều người ôm giấc mơ mua nhà chỉ biết trông ngóng vào sự kiểm soát của Nhà nước để bình ổn giá, hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản đẩy giá lên cao. Một trong những biện pháp đã từng được đề xuất trước đó là đánh thuế ngôi nhà thứ 2, thứ 3.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường Savills TP.HCM cũng cho biết, trong 5 năm gần đây, lượng nguồn cung sơ cấp của căn hộ hạng A tại thị trường TP.HCM chiếm tỷ lệ từ 4% đến 6% tổng nguồn sơ cấp mỗi năm. Phân khúc này còn đạt được tỷ lệ hấp thụ tăng dần, cho thấy nhu cầu đối với sản phẩm này vẫn tốt.
Điều này được lý giải bởi các dự án hạng A có vị trí đắc địa với giá đất cao và tăng liên tục, chủ yếu tập trung ở khu trung tâm như quận 1, 3 hay các khu vực có mức độ đô thị hóa cao như quận 2, 7. Trong khi đó, số lượng mở bán của các dự án cũng khá hạn chế, phổ biến từ 100 đến 300 căn mỗi lần mở bán.
Đáng chú ý, dù giá tăng cao nhưng bất động sản cao cấp hiện là phân khúc có tỷ lệ tồn kho cao. Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, trong quý III/2020, các sản phẩm tồn kho, khó bán trên thị trường chủ yếu đến từ những dự án căn hộ thuộc phân khúc cao cấp, do giá bán cao, không ở vị trí đắc địa, không nằm trong lõi trung tâm thành phố.
Trước đây, tại hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cũng đề cập đến vấn đề này. Theo TS Cấn Văn Lực, nhu cầu về nhà ở giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị. Tỷ lệ dân số đô thị có thể tăng lên khoảng 45% vào năm 2030, đòi hỏi mỗi năm tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Nhu cầu nhà ở gia tăng nhưng chính sách thuế và phí hiện vẫn chưa phát huy hiệu quả chức năng điều tiết và định hướng thị trường. Chẳng hạn, thuế tài sản đất phi nông nghiệp còn thấp (khoảng 0,03%) là điều kiện để gia tăng hoạt động đầu cơ bất động sản. Do đó, ông Cấn Văn Lực cho rằng cần nghiên cứu có chính sách thuế bất động sản thứ 2, 3… để giảm đầu cơ, tăng thu ngân sách. Bên cạnh đó, để hoàn thiện chính sách thuế, phí nhằm điều tiết thị trường, vị chuyên gia này cũng cho rằng cần xem xét các mức thuế được điều chỉnh theo vùng miền; điều chỉnh mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho phù hợp với thông lệ quốc tế (từ 0,2-1%).
Số lượng hàng tồn, tại Hà Nội, quý 1/2020, lượng hàng BĐS tồn kho là 84,5%, quý 2/2020 tồn kho 79,4%, đến quý 3/2020 còn 64,9%. Tại Tp.HCM, quý 1/2020 tồn kho 82,5%, quý 2/2020 tồn kho 27,2%, quý 3/2020 còn 24,9%. Lượng hàng tồn kho BĐS chủ yếu nằm ở phân khúc căn hộ trung, cao cấp, căn hộ du lịch, nhà tái định cư… được đầu tư xây dựng tại các vị trí xa trung tâm, thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Tổng hợp số liệu hàng tồn kho của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán và lượng hấp thụ sản phẩm mới trên tỷ lệ lượng cung ra hai thị trường lớn là Hà Nội và Tp.HCM cho thấy giá trị hàng tồn kho BĐS đến hết năm 2019 ước tính khoảng 18.800 tỷ đồng.Tuy nhiên, Bộ Xây dựng khẳng định lượng hàng tồn kho bất động sản tính từ đầu năm đến nay đang giảm dần.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam, trong năm 2020, thị trường bất động sản chịu tác động kép của đà suy giảm từ năm 2019 và ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, phân khúc bất động sản cao cấp tại TP.HCM vẫn có sự phát triển mạnh.
Cụ thể, trong quý III và nửa đầu quý IV/2020, nguồn cung căn hộ hạng A (giá 50 triệu – 70 triệu đồng/m2) và hạng sang (trên 70 triệu đồng/m2) chiếm gần 90% tổng số nguồn cung mới. Với nguồn cung mới như vậy, tỷ lệ tiêu thụ loại hình căn hộ này khá tích cực. Ở quý III, tỷ lệ tiêu thụ ở mức 80% nguồn cung mới, tháng 10 khoảng 67% và tháng 11 khoảng 91%.
Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng giá bán căn hộ cao cấp ở TP.HCM vẫn tăng đáng kể. Đặc biệt, có những dự án tiêu chuẩn chỉ ở hạng A song giá bán đã lên đến gần 4.000 USD/m2 (khoảng 90 triệu đồng/m2).
Nhiều người chật vật kiếm tiền, tiết kiệm để hơn chục năm trời mới mua được nhà. Trong khi đó, có những “đại gia” nắm trong tay hàng loạt bất động sản, họ coi đây là một hình thức tích lũy tài sản. Hay giới đầu cơ cũng “chơi chiêu”, mua đi bán lại để kiếm chênh, đẩy giá nhà đất đã cao lại càng cao hơn.