Theo Bộ Xây dựng, trong quý 4/2021 giao dịch bất động sản tiếp tục giảm, trong khi đó tồn kho đang tăng mạnh.
Theo Bộ Xây dựng, hàng tồn kho bất động sản quý 3/2021 hơn 15.000 căn, cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường bất động sản quý này giảm so với quý trước do giãn cách kéo dài vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng tại nhiều tỉnh thành trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương…
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 vừa qua, trong đó công ty ghi nhận hơn 1.300 tỉ đồng doanh thu thuần. Tuy nhiên, do giá vốn tăng cao đã khiến cho lợi nhuận chỉ đạt 783 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng. Điều này dẫn đến lợi nhuận thuần của công ty bị sụt giảm và lợi nhuận sau thuế của công ty là 160 tỉ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 cho thấy, hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý 3 của Đất Xanh ghi nhận con số khủng lên đến hơn 11.140 tỉ đồng, tăng 9%. Về khoản tồn kho thành phẩm, trong kỳ công ty cũng ghi nhận thêm 102 tỉ đồng từ dự án Gem Sky World và 109 tỉ đồng từ dự án Khu dân cư Yên Thanh bên cạnh các dự án An Viên, Sunview, Luxgarden hay Khu dân cư nút giao thông Phó Đức Chính và Ngô Quyền có tồn kho giữ nguyên so với giá trị đầu năm.
Tại Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL), giá trị hàng tồn kho của DN này tính đến quý 3/2021 chiếm 58% tổng giá trị tài sản, tương ứng 106.858 tỷ đồng. Theo thông tin chia sẻ từ doanh nghiệp, hơn 90% tồn kho là giá trị quỹ đất và chi phí dự án đang xây dựng, phần còn lại là BĐS thành phẩm, chờ bàn giao cho khách hàng. Trong đó, đáng chú ý là khoản mục người mua đã trả tiền trước cho DN với giá trị ghi nhận gần 7.642 tỷ đồng, tăng 87% so với con số hồi đầu năm. Số tiền này sẽ được ghi nhận vào doanh thu khi Novaland hoàn thành và bàn giao nhà cho khách.
Báo cáo tài chính quý 3/2021 của Công ty cổ phần bất động sản Thế Kỷ (Cenland) cũng cho thấy hàng tồn kho tăng mạnh từ 32 tỉ đồng lên 1.053 tỉ đồng, chủ yếu là hàng hóa bất động sản gồm các căn hộ, đất nền công ty mua từ chủ đầu tư để kinh doanh bán lại. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, do tồn kho tăng mạnh nên dòng tiền kinh doanh trong 9 tháng đầu năm của Cenland âm 1.019 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ âm 10 tỉ đồng. Về nguồn vốn, nợ phải trả của Cenland tăng 78% so với hồi đầu năm, ở mức 3.144 tỉ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính chiếm 71% tổng dư nợ.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia cũng ghi nhận giá trị hàng tồn kho chiếm 7.221 tỷ đồng, tăng khoảng 26% so với đầu năm và tương ứng 61% tổng giá trị tài sản. Trong đó, The Sóng (Bà Rịa – Vũng Tàu), Westgate (TP.HCM), The Standard (Bình Dương) là những dự án chiếm phần lớn giá trị tồn kho với gần 5.700 tỷ đồng… Tương tự, tính đến 30/9, Công ty CP Đầu tư Nam Long ghi nhận giá trị hàng tồn kho ở mức rất cao với 17.654 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với hồi đầu năm 2021. Trong đó tập trung lớn nhất là ở các dự án: Izumi, Southgate, Akari, Paragon Đại Phước và Waterpoint.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia cũng ghi nhận giá trị hàng tồn kho chiếm 7.221 tỷ đồng, tăng khoảng 26% so với đầu năm và tương ứng 61% tổng giá trị tài sản. Trong đó, The Sóng (Bà Rịa – Vũng Tàu), Westgate (TP.HCM), The Standard (Bình Dương) là những dự án chiếm phần lớn giá trị tồn kho với gần 5.700 tỷ đồng…
Một loạt DN BĐS khác như Khải Hoàn Land, Nhà Khang Điền… cũng có giá trị hàng tồn kho tăng mạnh. Tuy nhiên, đáng chú ý là giá trị tồn kho dưới dạng thành phẩm của nhiều DN tăng mạnh so với cùng kỳ, chứ không hẳn là ở BĐS dở dang. Đặc thù của ngành BĐS là chỉ khi bàn giao nhà, nền đất,… thì mới được phép ghi nhận doanh thu theo tiêu chuẩn kế toán hiện hành. Với đặc thù này, các DN không phụ thuộc vào tình hình chào bán sản phẩm trong kỳ để kiểm toán, mà có thể chủ động sắp xếp kế hoạch lợi nhuận theo trình tự bàn giao nhà cuốn chiếu.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)