Dù Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) liên tục bơm ròng, các ngân hàng vẫn tăng lãi suất để hút thêm nguồn tiền gửi. Khảo sát trên thị trường cho thấy, lãi suất huy động liên tục được các ngân hàng cập nhật biểu mới.
Thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, lãi suất huy động 12 tháng trung bình trong tháng 11/2022 tiếp tục tăng thêm 0,85 điểm phần trăm so với tháng 10/2022, lên mức 7,57%/năm. Như vậy, lãi suất huy động 12 tháng đã tăng 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước và 1,75 điểm phần trăm so với cuối năm 2021. Trong khi đó, kỳ hạn 6 tháng trung bình đạt 6,99%/năm, tăng mạnh 0,97 điểm phần trăm so với mức trung bình của tháng 10.
Thống kê từ kết quả quả kinh doanh quý III/2022 của các ngân hàng niêm yết, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect ước tính, biên lãi ròng (NIM) bình quân trong kỳ giảm nhẹ 8 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã được dự báo trước vì đà giảm NIM đã xuất hiện từ đầu quý II/2022, khi lãi suất huy động có xu hướng nhích dần lên.
“Theo quan sát của chúng tôi, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại hiện tăng trung bình 200-300 điểm cơ bản so với đầu năm, trong khi lãi suất cho vay chưa thể bắt kịp, nên áp lực giảm NIM là tất yếu”, bà Hiền nói.
Tuy nhiên, theo bà Hiền, nếu nhìn vào dữ liệu của từng ngân hàng thì đà giảm có vẻ không nhiều như dự báo, thậm chí một vài ngân hàng quy mô nhỏ còn ghi nhận NIM tăng khá tốt. Theo thống kê của VNDirect, có khoảng 15/26 ngân hàng niêm yết ghi nhận NIM quý III/2022 tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó đa phần là các ngân hàng quy mô nhỏ và có NIM thấp trước đó. Các ngân hàng quy mô lớn hơn đang chịu áp lực lớn hơn khi phải duy trì lãi suất đầu ra ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của NHNN.
Giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Lãi suất huy động trong xu hướng tăng nên ngân hàng buộc phải điều chỉnh tăng theo. Theo tôi quan sát, mức tăng lãi suất trong đợt này dao động từ 0,3-0,7%/năm”.
Trong diễn biến có liên quan, ngày 22/11/2022, NHNN có công văn gửi các tổ chức tín dụng và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc tăng trưởng tín dụng năm 2022. Trong công văn, NHNN cho biết, tính đến nay, tăng trưởng tín dụng của hệ thống tăng khoảng 11,5% so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống năm 2022 ở mức khoảng 14%. Do đó, vẫn còn dư địa để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối, điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Cụ thể, ngày 22/11/2022, VPBank tăng lãi suất thêm 0,3%/năm lên mức cao nhất 9,3%/năm từ kỳ hạn 18 tháng trở lên. Ở các kỳ hạn còn lại, ngân hàng này cũng tăng lãi suất ở mức cao như 6 tháng lên 8,7-8,9%/năm; 12 tháng từ 9,1-9,3%/năm… Đối với sản phẩm tiết kiệm Prime Savings, VPBank áp mức lãi suất cao nhất là 11,1%/năm trong tháng đầu tiên của kỳ hạn 36 tháng, những tháng tiếp theo giảm về mức 9,25%/năm; đối với kỳ hạn gửi 6 tháng, lãi suất tháng đầu tiên là 10,22%/năm, những tháng tiếp theo ở mức 8,52%/năm…
Trước đó, Sacombank tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng lên 6%/năm, các kỳ hạn 6 tháng tăng vọt lên 8,3%/năm, 9 tháng lên 8,6%/năm, 12 tháng lên 8,9%/năm và từ 15 tháng trở lên ở mức 9%/năm.
Ngày 15/11/2022, Techcombank áp dụng biểu lãi suất mới, trong đó nhiều kỳ hạn được điều chỉnh tăng thêm khoảng 0,3%/năm so với trước. Theo biểu lãi suất mới, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng này đang là 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên; đối với kỳ hạn từ 6-11 tháng là 8,7%/năm; còn dưới 6 tháng là 6%/năm. Đáng chú ý, đây là lần thứ 4 trong tháng 11, Techcombank thay đổi lãi suất huy động tiền đồng theo xu hướng đi lên.
Tổng Hợp