Tục ngữ có câu “an cư lạc nghiệp”, tuy nhiên đối với nhiều lao động thu nhập thấp hiện nay tại TP.HCM, dù đã cố gắng lạc nghiệp hơn nửa đời người nhưng chốn an cư vẫn chỉ là giấc mơ.
Cứ mỗi lần đến chung cư thăm bạn, anh Nguyễn Văn Sáu lại ao ước gia đình mình sớm thoát cảnh sống trong khu trọ chật hẹp không tiện ích, nhiều bất an.
Anh Sáu kể, rời quê Quảng Nam vào TP.HCM lập nghiệp với tấm bằng kỹ sư điện. Năm 27 tuổi, anh lấy vợ. Tới giờ người con đầu của anh đã 15 tuổi, người con thứ 2 cũng đã 13 tuổi. Chừng đó thời gian, gia đình anh phải ở trong những căn nhà trọ chật hẹp ở khắp nơi tại Bình Tân, Bình Chánh (TP.HCM).
Kể về câu chuyện quay quắt với giấc mơ an cư của mình, đôi bàn tay nhăn nheo của anh Sáu bóp chặt, ánh mắt bất lực vì không tìm ra lối thoát.
Anh Sáu cho biết, phải sống khổ, sống sở như vậy là để tiết kiệm tiền nhằm nuôi ước mơ an cư. Thế nhưng, ước mơ an cư vẫn cứ tít mù dù hai vợ chồng anh Sáu đã cố gắng tằn tiện, chắt bóp bao năm nay.
“Bỏ quê vào TP.HCM sinh sống, hai vợ chồng luôn động viên nhau cố gắng làm ăn tích góp để có tiền mua nhà, có nhà xong mới lo được hộ khẩu để cho con được đi học. Ngày đi làm ở công ty, tối về tranh thủ chạy xe ôm, cuối tuần cũng tranh thủ để tích cóp mua nhà. 10 năm sau khi đám trẻ lớn, hai vợ chồng tích cóp được hơn 400 triệu đồng, khi đó cũng có những dự án chung cư giá rẻ với gói hỗ trợ 30.000 tỷ, chúng tôi đi tìm mua nhà. Nhưng rồi thất bại vì vợ chồng tôi không thuộc diện được mua nhà gói hỗ trợ 30.000 tỷ, nghe ngân hàng nói thu nhập cũng như không thuộc diện được mua nhà ở xã hội giá rẻ này. Chỉ có thể mua nhà thương mại giá rẻ, mà số tiền chúng tôi có thì chưa thể mua nhà ở thương mại giá rẻ”, anh Sáu kể.
Cũng chung một giấc mơ mua nhà tại TP.HCM như vợ chồng anh Sáu, vợ chồng chị Huỳnh Ngọc Mai, 38 tuổi hiện đang ở trọ trong căn phòng chật chội 12m2 tại đường Nguyễn Xiển, TP. Thủ Đức cho biết, đã hơn 1 năm nay phải chật vật trong cảnh đi mua nhà nhưng chưa kiếm được dự án nào phù hợp với nhu cầu và thu nhập. “Giờ chỉ có nhà ở xã hội giá rẻ là chiếc phao còn lại để vợ chồng tôi bám vào khi quyết tâm ở lại TP.HCM lập nghiệp”, chị Mai bày tỏ.
Theo chị Mai, mọi lo toan vất vả anh chị đều chịu được, miễn là tiết kiệm đủ tiền để mua được một căn hộ giá rẻ để an tâm sinh sống và nuôi con. “Sau khi tiết kiệm được một khoản kha khá, vợ chồng tôi lên kế hoạch săn nhà giá rẻ nhưng bao lần đăng ký mua nhà ở xã hội là bấy nhiêu lần thất bại bởi hồ sơ không qua được ‘vòng gửi xe’. Giấc mơ đoàn tụ gia đình theo đó cứ mịt mù”, chị Mai buồn nói.
Khá hơn vợ chồng anh Sáu và chị Mai đôi chút là vợ chồng anh Trần Văn Kiệt (quê Thái Bình). Anh làm nhân viên ngân hàng, chị làm nhân viên hành chính nhân sự, tổng thu nhập 2 vợ chồng mỗi tháng gần 30 triệu đồng. Thế nhưng, vợ chồng Anh Kiệt vẫn không thể có được mái nhà cho riêng mình dù đã cố “săn tìm” khi có thông tin dự án nhà ở giá rẻ được rao bán dù gần hay xa.
Lý do “săn tìm” nhà giá rẻ luôn thất bại được những người trong cuộc như anh Sáu, anh Kiệt, chị Mai… tiết lộ là dù nhiều lần nghe nói có dự án nhà ở xã hội chỗ này, chỗ kia, nhưng không biết dự án đó ở đâu, dành cho đối tượng nào, thủ tục hồ sơ mua như thế nào, có cần hộ khẩu ở TP.HCM không… Vì vậy, khi tìm được nơi để đăng ký hay chưa kịp mừng rỡ vì mình cũng thuộc diện để mua thì đã “lỡ chuyến đò” hoặc xếp hàng dài chờ xét duyệt.
Thậm chí, có hộ gia đình mặc dù thu nhập thấp nhưng vẫn cố gắng để tích góp một khoản từ 400 – 600 triệu đồng cộng với thu nhập cũng tương đối ổn định, thì họ hoàn toàn có khả năng trả tiền cọc và đóng hằng tháng cho một căn nhà ở xã hội. Người có nhu cầu mua nhà ở xã hội chỉ mong các dự án minh bạch thông tin để được tiếp cận mua nhà một cách công bằng. Tránh xảy ra tình trạng người cần thì không được mua, người không cần có thông tin và sớm mua để sang tay kiếm lời.
Cuộc di tản của những người thu nhập thấp và gia đình họ ra khỏi TP.HCM trong đợt dịch COVID-19 vừa qua đang đặt ra nhiều câu hỏi cấp thiết. Vì sao nhiều gia đình lao động đã sinh sống nhiều năm trên mảnh đất TP.HCM vẫn phải tạm bợ trong những dãy nhà trọ?
Đa số họ rời TP.HCM – nơi họ đang kiếm sống vì không đủ sức để chi trả tiền thuê nhà sau mấy tháng mất việc. Chủ nhà miễn hoặc giảm tiền thuê cũng chỉ phần nào, bởi nhiều người trong số họ vẫn chưa trả hết khoản vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng để xây phòng trọ. Không ai muốn mang cái khó của mình đặt lên vai người khác. Vì thế, việc về quê đối với họ là việc chẳng đặng đừng.
Nguồn cung căn hộ bình dân và tỷ lệ giá so với thu nhập khả dụng trung bình tại TP.HCM. Ảnh: JLL.
Người thu nhập thấp tại TP.HCM mong muốn rằng, kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp của TP.HCM cần được thực hiện một cách quyết liệt và thực sự “thấu hiểu” cho đời sống của người lao động ngoại tỉnh muốn gắn bó lâu dài cùng thành phố.
Hy vọng tới đây, số lượng nhà sẽ không còn khiêm tốn, thông tin không còn hạn chế, thủ tục không còn phức tạp để hàng chục vạn gia đình khác có nơi cư trú ổn định, có mái nhà được gọi là của mình. Dẫu biết rằng… giải quyết việc này không hề đơn giản bởi liên quan đến quỹ đất, kinh phí đầu tư, giá thành… song cứ mạnh dạn giao tư nhân làm sẽ rất khả thi, chỉ cần tạo điều kiện về pháp lý.
(Còn tiếp)