Việc hiến đất làm đường để phân lô tách thửa không còn xa lạ trên thị trường hiện nay. Có rất nhiều tỉnh thành đã và đang xảy ra tình trạng “núp bóng” hiến đất để thuận tiện hơn về pháp lý….
Các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất do Phòng TN&MT huyện Cam Lâm cho phép của các khu đất trên chưa đầy đủ theo quy định. Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, quy định của Luật Đất đai không có khái niệm “hiến đất”, chỉ có trường hợp nhà nước thu hồi đất do người khác tự nguyện trả đất.
Việc “hiến đất” ở huyện Cam Lâm nhằm phục vụ nhu cầu lợi ích của cá nhân, không phải tặng cho quyền sử dụng đất để nhà nước thực hiện các công trình công cộng vì mục đích chung. UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng UBND huyện Cam Lâm đã nhận thức được tình trạng “hiến đất” làm đường để tách thửa có thể gây ra tình trạng phá vỡ quy hoạch sau này.
Huyện cho tiếp nhận hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, cho hiến đất làm đường, sau đó cho tách thành nhiều thửa đất để phục vụ cho mục đích kinh doanh bất động sản của một số cá nhân là trái quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản. UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu UBND huyện Cam Lâm hủy các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, các văn bản chấp thuận cho phép hiến đất làm đường giao thông đối với các trường hợp nêu trên. Đồng thời, kiểm tra, xử lý về quản lý trật tự xây dựng đối với các khu vực đã xây dựng hạ tầng.
Huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa hủy bốn quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất liên quan đến sai phạm tự ý cho “hiến đất” làm đường khiến nhiều cán bộ bị kỷ luật. Ngày 27-9, ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), xác nhận ông đã ký các quyết định hủy quyết định chuyển mục đích sử dụng đất liên quan đến việc hiến đất khiến tám cán bộ bị kỷ luật.
Theo đó, UBND huyện Cam Lâm hủy bốn quyết định của UBND huyện cho phép ông Lương Công Danh, ông Vũ Đình Chinh, bà Đỗ Thị Như Trâm và bà Trần Thị Phương Hà chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản sang đất ở nông thôn, đất ở đô thị.
Ngày 28/9, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa có văn bản chỉ đạo sở, ngành liên quan và UBND các địa phương, khi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hiến đất làm đường, phân lô, tách thửa nhằm mục đích kinh doanh bất động sản trên địa bàn phải đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Việc hình thành các tuyến đường giao thông tại khu vực hiến đất làm đường phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch đô thị, xây dựng, giao thông; tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định hiện hành và phải được cấp phép xây dựng theo quy định.
Mặt khác, dự án đầu tư kinh doanh bất động sản phải đảm bảo phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt.
UBND tỉnh Lâm Đồng còn yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 02/2022/NĐ-CP (ngày 6/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bất động sản).
Tỉnh Lâm Đồng cũng giao các huyện, thành phố tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn theo các quy định hiện hành; kiểm tra hồ sơ, thủ tục chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản đảm bảo tuân thủ quy định và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước; việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng phải đảm bảo tuân thủ Nghị định 02/2022/NĐ-CP và các quy định có liên quan.
Sở TN&MT tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý việc phân lô, tách thửa trên địa bàn tỉnh nhằm khắc phục triệt để tình trạng phân lô, bán nền không phù hợp giữa các quy hoạch trong thời gian qua. Việc ban hành văn bản này của UBND tỉnh Lâm Đồng nhằm thay thế văn bản tạm dừng việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến phân lô, tách thửa, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn ban hành vào ngày 20/1/2022.
Tổng Hợp