Thị trường trái phiếu chủ yếu là phát hành riêng lẻ, quy mô tăng lên khoảng 1,5-1,6 triệu tỷ đồng trong thời gian qua, trong đó, chủ yếu là trái phiếu ngân hàng, bất động sản. Tính tới 9 tháng đầu năm 2022, dư nợ trái phiếu chiếm 11,6% tổng dư nợ tín dụng. Khoảng 300.000 người nắm giữ, thị trường trái phiếu cần biện pháp “dập lửa”…
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinRatings chia sẻ tại Diễn đàn “Nhịp đập kinh tế Việt Nam” – VEP 2022 diễn ra ngày 22/11. Nhấn mạnh tính cấp thiết của các giải pháp cứu nguy thị trường trái phiếu, ông Thuân nói: “Trong bối cảnh này, không thể chỉ nhìn vào các số liệu như GDP, mà phải nhìn kỹ hơn các số liệu để có sự điều chỉnh kịp thời. Trong ngắn hạn, lửa đang cháy rồi thì các biện pháp dài hạn không hiệu quả, phải dùng nước để dập ngay”.
Theo ông Thuân, tình trạng hiện tại của thị trường trái phiếu gây ra 3 rủi ro lớn. Thứ nhất là bất ổn xã hội gia tăng, bởi trái phiếu tư nhân được nắm giữ bởi các trái chủ với tư cách cá nhân ở quy mô lớn (ước tính 33% giá trị lưu hành và có khoảng 300 nghìn người nắm giữ).
Theo đó, tình trạng tại thị trường trái phiếu khiến niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính, không chỉ phát hành trái phiếu mới, mà còn cả với lĩnh vực ngân hàng và thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng lớn. Việc tái cấp vốn không thể được thực hiện theo các đợt chào bán công khai ngay cả với các tổ chức phát hành tín dụng tốt.
Thứ hai là nguy cơ vỡ nợ trái phiếu và vi phạm cao, bởi thu nhập giảm cùng với chất lượng tín dụng xấu đi tại các tổ chức phát hành nổi bật (chủ yếu là công ty bất động sản, ngân hàng…), các đợt phát hành mới trước áp lực nợ đến hạn lớn. Rủi ro này có thể khiến xảy ra vi phạm chéo khi ngân hàng có tư cách là nhà đầu tư, đồng thời với tư cách là tổ chức phát hành trái phiếu và thị trường liên ngân hàng.
Thứ ba là khủng hoảng thanh khoản nợ doanh nghiệp. Không chỉ các khoản vay ngân hàng chính thức, mà các khoản vay ngân hàng ngầm ở Việt Nam đang trong tình trạng tràn lan và mất khả năng thanh khoản. Điều này dẫn tới doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và nợ xấu của ngân hàng xấu đi.
2 rủi ro khác nhỏ hơn là tháo chạy vốn và bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.
“Nợ đến hạn đã giảm đáng kể do các khoản mua lại sớm trong giai đoạn gần đây, nhưng áp lực vẫn còn rất đáng kể từ đầu năm 2023, nên cần có những can thiệp chính sách ngay từ bây giờ”, ông Thuân nhấn mạnh.
Đề xuất các hành động ngay lập tức và trong ngắn hạn, ông Thuân cho rằng có 4 nhóm giải pháp chính.
Thứ nhất, rà soát đặc biệt đối với các tổ chức phát hành lớn có rủi ro đối với các trái chủ cá nhân. Trong đó, cần hướng dẫn rõ ràng về việc cơ cấu lại nợ; cân bằng giữa công bố thông tin công khai và tái cơ cấu tư nhân; đánh giá rủi ro đối với ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.
Thứ hai, cần chương trình tín dụng bất động sản: Giới thiệu chương trình tín dụng nhà ở dành cho người mua nhà và bất động sản dưới dạng “Kiểm soát tín dụng một chu kỳ” (Ngân hàng => Người mua nhà => Chủ đầu tư => Ngân hàng); Đặt thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng đủ điều kiện làm tổ chức thực hiện.
Thứ ba, thúc đẩy trái phiếu phát hành công khai: Phê duyệt dễ dàng, Gia tăng sự công khai, bao gồm xếp hạng công khai.
Thứ tư, thông điệp mạnh mẽ hơn từ Chính phủ để khôi phục niềm tin của thị trường nợ, bao gồm kế hoạch hành động cụ thể và có cập nhật tiến độ.
SSI Research vừa cập nhật báo cáo triển vọng ngành ngân hàng. Theo phân tích của nhóm chuyên gia từ SSI, thời gian gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn(và tái cơ cấu nợ) cho hoạt động kinh doanh, làm gia tăng rủi ro liên quan đến khả năng trả nợ. Một số doanh nghiệp đã yêu cầu hoãn thanh toán gốc (và thanh toán lãi).
Tổng số trái phiếu sau khi loại trừ nhóm trái phiếu do ngân hàng phát hành hiện đang lưu hành là khoảng 945 nghìn tỷ đồng, trong đó 27% sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024, và 12% sẽ đáo hạn vào năm 2025. Gần một phần ba số trái phiếu này nằm trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Tuy nhiên, con số này vẫn không bao gồm những trái phiếu đã được phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân nhưng có bảo lãnh thanh toán, cũng như những trái phiếu hiện không có trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn sẽ chịu rủi ro tín dung liên quan (đối với những trái phiếu theo hợp đồng repo).
Nhiều chủ đầu tư bất động sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn với lượng hàng tồn kho tăng lên, doanh số bán hàng giảm và chịu áp lực đáng kể về dòng tiền ngắn hạn khi một số trái phiếu sắp đến ngày đáo hạn, đặc biệt là trong giai đoạn từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023.
Lãi suất cho vay mua nhà đã tăng lên (phổ biến ở mức 13-15%/năm) cũng đã gây ra sự do dự của những người mua nhà tiềm năng mặc dù một số chủ đầu tư bất động sản đã giảm giá 30-40% cho những người mua nhà có sẵn tiền mặt (với tỷ lệ thanh toán trước là 90%).
Chẳng hạn tại TP.HCM, số lượng căn hộ được giao dịch trong quý 3/2022 chỉ đạt 900 căn, giảm 89% so với quý 2/2022. Tỷ lệ hấp thụ đạt 15-35% đối với các dự án mới, mức thấp nhất kể từ năm 2019. Tình hình khả quan hơn tại thị trường Hà Nội, nơi có tỷ lệ hấp thụ đạt 50% nhưng lượng hàng tồn kho căn hộ trên 4 tỷ đồng vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Đáng nói, theo quan sát của SSI Research, phần lớn phần các giao dịch mua nhà vẫn với mục đích đầu cơ, mua nhà do lịch trả nợ hấp dẫn. Do đó, khi hết thời gian ân hạn và lãi suất cho vay hết ưu đãi, nhiều khả năng người sở hữu bất động sản sẽ bán lại bất động sản đó để trả nợ vay là tương đối cao. Do đó, SSI dự báo làn sóng giảm giá bán bất động sản sẽ có thể còn tiếp tục đến cuối năm, với mức giảm có thể từ 10-20% hoặc thậm chí cao hơn.
Đối với những người mua đầu cơ chưa thể bán lại bất động sản để tất toán khoản vay, tỷ lệ nợ quá hạn đối với các khoản vay mua nhà có thể tăng trong thời gian tới. Tổng dư nợ toàn bộ các khoản cho vay mua nhà tại các ngân hàng được SSI tính toán ở mức khoảng 1,3 triệu tỷ đồng.
“Chúng tôi duy trì quan điểm rằng các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới. Trừ khi có các quy định đặc biệt về phân loại nợ/trích lập dự phòng cho các khoản vay/trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 được thực hiện, nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là những áp lực tương đối lớn”, báo cáo nhận định.
SSI Research cho rằng, rủi ro liên quan đến bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và xu hướng lãi suất tăng cùng với sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế chưa được phản ảnh hoàn toàn vào định giá cổ phiếu ngân hàng.
Tổng Hợp