Theo báo cáo của DKRA về bất động sản nghỉ dưỡng, đơn vị này ghi nhận sự sụt giảm mạnh về nguồn cung lẫn cầu trong tình hình khó khăn của thị trường…
Đối với loại hình biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung sụt giảm mạnh trong tháng 11/2022 so với tháng trước và ghi nhận mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Với 170 căn được mở bán tại 6 dự án, giảm tới 70% so với cùng kỳ 2021.
Miền Bắc và Miền Nam tiếp tục là khu vực dẫn đầu về nguồn cung và tiêu thụ cả nước – chiếm 91% tổng nguồn cung và 95% tổng lượng tiêu thụ cả nước. Cụ thể, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng ở Miền Bắc với 83 căn (chiếm 49%), miền Nam là 71 căn (chiếm 42%).
Sức cầu thị trường giảm đáng kể, lượng giao dịch ghi nhận ở mức thấp – tương đương 56 căn, giảm 83% so với cùng kỳ năm 2021. Thanh khoản thị trường chững lại, các dự án mới đều có tình hình bán hàng chậm.
Mức giá bán sơ cấp không biến động nhiều so với tháng trước, tuy nhiên đáng chú ý một số chủ đầu tư đưa ra chính sách chiết khấu lên đến 30% – 40% giá bán nhằm kích cầu thị trường giữa bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Mức giá bán sơ cấp tại miền Bắc dao động từ 5,3 – 24,8 tỷ đồng/căn, miền Trung 6,1-37,7 tỷ đồng/căn, miền Nam 13,5-73,5 tỷ đồng/căn.
Dự kiến, trong tháng cuối năm 2022 nguồn cung cũng như sức cầu thị trường sẽ tiếp tục xu hướng giảm. Tuy nhiên mức giá bán sơ cấp dự kiến tăng do chi phí đầu vào, lạm phát, lãi suất ngày càng tăng cao.
Đối với loại hình condotel, nguồn cung tăng nhẹ 6% so với tháng trước, đạt 589 căn, nhưng chỉ tập trung cục bộ tại một dự án ở khu vực Miền Nam – chiếm 86% tổng nguồn cung cả nước, với 504 căn.
Sức cầu thị trường ở mức rất thấp. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 58% với 341 căn được bán thành công. Lượng tiêu thụ phân bổ chủ yếu tại một dự án ở Bà Rịa-Vũng Tàu, chiếm 83% tổng lượng tiêu thụ cả nước. Các dự án còn lại đều có tình hình bán hàng chậm, lượng tin rao sụt giảm mạnh so với tháng trước.
Mặt bằng giá sơ cấp nhìn chung tăng 1% – 2% so với giai đoạn mở bán trước đó (mỗi giai đoạn cách nhau 1 – 2 tháng). Giữa bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, một số chủ đầu tư đưa ra mức giá chào bán gần như tương đương với mức giá bán năm trước, kèm theo nhiều chính sách như chiết khấu, cam kết lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất… cũng được tăng cường áp dụng để kích cầu thị trường.
Dù thị trường đang khó khăn, nhưng các nhà đầu tư ngoại vẫn quan tâm tới bất động sản Việt Nam, trong đó có các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết chưa khi nào nhà đầu tư ngoại cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam không còn cơ hội nữa. Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trong khu vực, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông.
Theo bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam dù đang gặp khó khăn, nhưng vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Dân số trẻ, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh, tốc độ đô thị hóa cao tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội và mở ra tiềm năng phát triển nhiều loại hình dự án bất động sản.
Ghi nhận của CBRE Việt Nam, khu vực duyên hải Nam Trung Bộ đang là một trong những thị trường nghỉ dưỡng hấp dẫn bậc nhất Việt Nam. Điều này được thể hiện ở việc các đơn vị quản lý khách sạn hàng đầu thế giới liên tiếp có kế hoạch mở rộng hoạt động tại đây, với hàng loạt thương hiệu mới sẽ chính thức được ra mắt như Mandarin Oriental, JW Marriott, M Gallery, Le Méridien, Wink Hotels, The Ascott Limited…
Cụ thể, mới đây, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Bãi Nồm (Phú Yên) đã chính thức được Tập đoàn Mandarin Oriental quản lý, vận hành. Ông James Riley, Giám đốc điều hành Tập đoàn Mandarin Oriental, chia sẻ rằng sự nguyên sơ và tách biệt của khu vực này gồm một vịnh nhỏ riêng tư với bãi biển trải dài hơn 800m… chính là điểm thu hút mà các công ty lớn cần tìm kiếm cho những dự án nghỉ dưỡng cao cấp. Khách du lịch cao cấp cần sự trải nghiệm hoang sơ. Do đó, những khu vực thắng cảnh chưa được khai phá là mục tiêu mới của chúng tôi.
Theo CBRE Việt Nam, trong giai đoạn 2022 – 2024, các đơn vị quản lý khách sạn tiếp tục có kế hoạch mở rộng hoạt động tại khu vực Nam Trung bộ. Sự hiện diện của nhiều đơn vị quản lý chuyên nghiệp giúp nâng cao vị thế của thị trường khách sạn cao cấp tại Đà Nẵng, Bình Thuận, Phú Yên…
Đến hết năm 2022, Đà Nẵng dự kiến có thêm 10 dự án với 2.442 phòng, nâng tổng nguồn cung phòng lên gần 18.000 phòng.
Tương tự, tỉnh Bình Thuận dự kiến đến năm 2025 nguồn cung khoảng 5.000 căn biệt thự nghỉ dưỡng, cao nhất thị trường, so với hiện nay đang là 4.000 căn.
Tại Phú Yên, đến năm 2026, khu nghỉ dưỡng Mandarin Oriental, Bãi Nồm, sẽ cung cấp 72 căn biệt thự và phòng khách sạn rộng rãi, trong đó có 25 căn biệt thự nghỉ dưỡng riêng tư cho thị trường.
Giá thuê phòng trong năm 2022 được dự báo tăng 30% so với cùng kỳ, chạm mức 79 USD/phòng/đêm. Công suất phòng sẽ đạt 53,2%, tăng 43,5 điểm phần trăm so với năm 2021.
Đến năm 2024, giá thuê phòng dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 25%/năm và có thể đạt mức 119 USD/phòng/đêm. Công suất phòng sẽ hồi phục về mức trước dịch là 63%.
Còn theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương, ước tính trong 3 năm tới, nguồn cung tại các điểm đến du lịch trọng điểm sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 20% mỗi năm. Với tốc độ này, nếu nguồn cầu không tăng theo kịp thì có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, qua đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công suất phòng của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong nước.
Nguồn cung mới giúp thị trường thêm phần sôi động, tuy nhiên tình hình hoạt động trong tương lai gần sẽ chưa thể bật tăng hoàn toàn trở về mức trước dịch.
Tổng Hợp
(VnE, Tạp chí Kinh Tế)