Bộ Công Thương nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu để giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp xăng dầu.Tối ngày 7/10, Bộ Tài chính có công văn số 10281/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương tiếp tục thông báo điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu.
Thời gian qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động phức tạp, một số doanh nghiệp đề xuất với Sở Công Thương về việc tạm dừng kinh doanh do khó khăn về nguồn hàng và không bảo đảm lợi nhuận kinh doanh. Do đó, Bộ Công Thương nhiều lần có ý kiến với Bộ Tài chính về việc điều chỉnh một số khoản chi phí trong giá cơ sở xăng dầu.
Dù vậy, Bộ Tài chính mới chỉ điều chỉnh đối với mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo thực tế mà chưa điều chỉnh mức premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng theo thực tế rà soát.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu, dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu rất thấp, doanh nghiệp than phiền không đủ chi phí trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động…
Thực hiện quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu, năm 2022, Bộ Tài chính đã có thông báo chi phí định mức để Bộ Công Thương tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh và ở mức cao, để kiềm chế tác động của giá xăng dầu tăng, nhà nước áp dụng triệt để các biện pháp bình ổn giá; trong đó, có giảm thuế bảo vệ môi trường vào tháng 4/2022 và tiếp tục giảm kịch sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường từ ngày 11/7/2022.
“Trong bối cảnh đó, các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở được rà soát, đánh giá kỹ để xem xét điều chỉnh thận trọng, tránh ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Trên cơ sở đó, đã điều chỉnh tăng chi phí định mức liên quan đến nguồn xăng dầu nhập khẩu”, Bộ Tài chính cho hay.
Theo đó, các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở bao gồm: premium trong nước, chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí vận tải tạo nguồn trong nước…
Trong đó, premium trong nước là khoản chênh lệch so với giá thế giới, được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng.
Khoản chênh lệch này do Bộ Tài chính xác định, không cao hơn giá thế giới bình quân trong công thức tính giá xăng dầu từ nguồn trong nước nhân với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thấp nhất.
Bộ Tài chính cho biết thêm trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trong việc rà soát đánh giá các yếu tố chi phí định mức trong giá cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp, có tính đến mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra.
Cũng theo bộ này, hiện nay nhà nước không quy định chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu.
“Yếu tố này chủ yếu phụ thuộc vào cung – cầu thị trường, diễn biến giá xăng dầu thế giới, sản lượng tồn kho xăng dầu của các thương nhân đầu mối và phương thức bán hàng của hai bên”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Cùng với đó, chiết khấu xăng dầu có thể còn phụ thuộc vào chính sách bán hàng, năng lực kinh doanh của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mà đại lý, tổng đại lý ký hợp đồng trực tiếp, số lượng các kênh trung gian trong hệ thống kinh doanh xăng dầu và sự phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống.
Tổng Hợp