Bên cạnh việc liên tục rao bán các khoản nợ khó đòi, nhiều ngân hàng có nợ nhóm 5 khả năng mất vốn tăng mạnh.
Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, Sacombank (mã: STB) của Chủ tịch Dương Công Minh đang có quy mô nợ có khả năng mất vốn dẫn đầu nhóm này với gần 4.500 tỷ đồng, mặc dù đã giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Sacombank đang nằm trong TOP 3 ngân hàng có số dư nợ nhóm 5 cao nhất, sau BIDV và VietinBank.
SHB của bầu Hiển đứng vị thứ 5 trong bảng xếp hạng này, với 2.500 tỷ đồng, sau khi giảm 34,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (mã: SSB) và ACB với lần lượt 1.427 tỷ đồng và 1.379 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2020, ACB của “soái ca” Trần Hùng Huy chỉ ghi nhận 1.217 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn. Vì vậy, ACB không năm trong TOP 10 ngân hàng dẫn đầu về nợ có khả năng mất vốn của năm 2020.
Các vị trí tiếp theo trong TOP 10 ngân hàng dẫn đầu nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn là Eximbank (1.357 tỷ đồng); VIB (1.319 tỷ đồng); LienVietpostbank (1.316 tỷ đồng). Ngân hàng lợi nhuận tỷ USD năm 2021 là Techcombank ghi nhận mức tăng trưởng lên tới trên 119%, song quy mô nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn chỉ ở mức 755 tỷ đồng.
VPBank cũng là “ông lớn” ngân hàng tư nhân gây bất ngờ khi quy mô nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này giảm gần nửa so với cùng kỳ năm 2020, xuống chỉ còn 1.059 tỷ đồng. Với kết quả này, VPBank không còn nằm trong TOP 10 nhà băng dẫn đầu về nợ có khả năng mất vốn. Năm 2020, VPBank “nắm trong tay” 2.076 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn, vượt qua cả LPB, VIB, EIB, ACB, SSB, đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng này. Xét về tốc độ tăng nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn, ngoài Techcombank, VietABank (VAB) ghi nhận mức tăng tới 94%. Tiếp theo là BacA Bank (BAB) với mức tăng gần 66%; VietBank – VBB (53,9%).
BIDV là nhà băng giảm được nhiều nợ nhóm 5 nhất trong quý 4 khi xử lý được 6.901 tỷ đồng, tương đương giảm gần 50%. Còn so với cuối năm 2020, nợ có khả năng mất vốn của BIDV đã giảm gần 60%. Nợ có khả năng mất vốn của BIDV giảm mạnh nhờ đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu trong năm 2021. Bên cạnh việc liên tục rao bán các khoản nợ khó đòi, ngân hàng này cũng đã sử dụng gần 19.345 tỷ đồng quỹ dự phòng để xử lý nợ xấu, riêng quý 4 /2021 dùng hơn 7.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của BIDV cũng vì thế giảm từ 1,8% xuống chỉ còn 1%. Tuy nhiên, với 6.979 tỷ đồng nợ xấu tính đến 31/12/2021, BIDV đang dẫn đầu về nợ có khả năng mất vốn trong hệ thống ngân hàng.
Tương tự, quy mô nợ xấu nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn của VietinBank cũng đã giảm 14,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhà băng này vẫn là nhà băng đứng vị trí thứ 2 trong TOP các ngân hàng dẫn đầu về nợ có khả năng mất vốn. Năm 2021, VietinBank còn “vượt mặt” BIDV trở thành á quân trong TOP ngân hàng có nợ xấu cao nhất khi “nắm trong tay” tới 14.300 tỷ đồng nợ xấu, cao gấp 1,5 lần so với đầu năm. Kéo theo đó, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank đến 31/12/2021 tăng từ 0,9% lên 1,3%.
Ngược lại, “ông lớn” Vietcombank cũng ghi nhận 4.400 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn, tăng 1,7% trong năm 2021. Vietcombank hiện đứng thứ 4 trong TOP các ngân hàng có quy mô nợ có khả năng mất vốn cao nhất hệ thống. Như vậy, chỉ tính 3 “ông lớn” gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV, quy mô nợ xấu có khả năng mất vốn chỉ còn gần 16.600 tỷ đồng – chỉ ngang ngửa với nợ nhóm 5 của BIDV năm 2020.
Một tín hiệu khá khả quan khi khảo sát của Dân Việt tại 27 ngân hàng cho thấy, khối nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn của 27 ngân hàng được thống kê giảm 25% trong vòng 1 năm qua. Tính đến 31/12/2021, các ngân hàng này đang nắm trong tai gần 41.500 tỷ đồng nợ xấu có khả năng mất vốn. Riêng 10 ngân hàng dẫn đầu thị trường về nợ có khả năng mất vốn, tổng nợ xấu nhóm này đạt 30.371 tỷ đồng. Con số này giảm gần 30% so với cuối năm 2020 và chiếm 73% tổng nợ có khả năng mất vốn của 27 ngân hàng.
Tổng Hợp