Thị trường biệt thự, nhà phố tại TP HCM đang ngày càng khan hiếm nguồn cung sơ cấp, các dự án tiếp tục tập trung tại các khu vực ngoài thành.
Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng dòng tiền chuyển về TP.HCM những tháng đầu năm 2021 tăng mạnh đạt 2 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 7% so với cuối năm 2020 và tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Kỳ vọng lượng kiều hối năm 2021 sẽ tăng 7% so với cuối năm 2020, đạt 6,5 tỉ USD. Trong bối cảnh các kênh đầu tư trên thị trường thế giới như vàng, trái phiếu cũng như hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh có xu hướng giảm và bấp bênh, lượng kiều hối 4 tháng đầu năm chủ yếu hướng vào thị trường chứng khoán và bất động sản đang hết sức sôi động.
Nguồn cung sơ cấp hạn chế đã thúc đẩy giá bán trên thị trường thứ cấp tăng. Trong quý II/2021, giá thứ cấp trung bình từ giỏ hàng cố định đã tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Quận 7 có mức tăng cao nhất với 20%, tiếp đến là quận 9, huyện Nhà Bè, quận 2 và quận Gò Vấp tăng 13% – 19%. Nhiều dự báo, đến 2023, nguồn cung của thị trường nhà liền thổ dự kiến đạt 9.700 căn/ nền. TP Thủ Đức chiếm phần lớn với 32% thị phần, tiếp theo là huyện Bình Chánh chiếm 24%. Trong giai đoạn 2021 – 2030, TP HCM dự kiến thành lập 5 quận từ các huyện ngoại thành là Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ. Vì vậy, quỹ đất trống rộng lớn tại các khu vực này sẽ trở thành tâm điểm phát triển bất động sản nhà ở trong thời gian tới. Bên cạnh đó, quy hoạch nhà ở TP HCM đến 2030 đang ưu tiên phát triển nhà ở cao tầng nên nguồn cung nhà thấp tầng dự kiến sẽ tiếp tục khan hiếm.
Nguồn cung sơ cấp trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 770 căn, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Lượng giao dịch trong nửa đầu năm 2021 đạt khoảng 500 căn, giảm 51% theo so với cùng kỳ năm 2020. Trong quý II/2021, nguồn cung sơ cấp đạt 570 căn, tăng 21% so với quý I/2021 nhưng giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Riêng phân khúc nhà liền kề chiếm 49% thị phần. Nguồn cung mới trong quý đạt 300 căn từ một dự án mới ở quận 12 và 4 dự án mở bán thêm tại TP Thủ Đức, quận Gò Vấp và quận Tân Phú. Nguồn cung nhà phố thương mại tiếp tục khan hiếm. Lượng giao dịch trong quý này đạt khoảng 300 căn, tăng 49% so với quý trước. Tỷ lệ hấp thụ đạt 53%, tăng 10 điểm % so với quý trước. Nguồn cung mới có tỷ lệ hấp thụ cao ở mức 75%. Quận Gò Vấp và TP Thủ Đức chiếm gần 90% lượng giao dịch trong quý. Đối với các dự án đã mở bán từ các quý trước, hơn 60% số dự án đã đạt tỷ lệ bán hơn 80% khiến người mua không còn nhiều lựa chọn. Hàng tồn kho chủ yếu là các căn có giá trị trên 2 triệu USD hoặc các dự án quy mô nhỏ.
Từ đầu năm 2020, có một nghịch lý đang diễn ra trên thị trường Bất động sản Việt Nam, thậm chí là ở một số thị trường lớn trên thế giới, giá bất động sản tăng nhanh, bất chấp đại dịch Covid-19, bất chấp nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm và mất việc làm diễn ra trên diện rộng. Điều gì đã xảy ra khi các nền kinh tế tạo ra ít giá trị hơn, các cá nhân kiếm được ít tiền hơn, các mặt bằng thuê đều trống vắng khách thuê, nhưng giá bất động sản lại tăng nhanh như vậy.
Do dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp nên hoạt động tại khu vực phi chính thức gần như bị đình trệ, giảm xuống. Dòng tiền theo đó bắt đầu quay lại các kênh đầu tư chính thức trong đó có thị trường bất động sản.
Cương Nguyễn