Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) một số nhiệm vụ quan trọng nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản, tín hiệu về giảm lãi suất của các ngân hàng được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản…
Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu NHNN xem xét chỉ đạo tổ chức tín dụng rà soát, phân loại dự án bất động sản để có các biện pháp xử lý phù hợp (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…) theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đồng thời, nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản, góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho doanh nghiệp.
Trước đó, thông tin ngày 6/3 từ NHNN cho hay, cơ quan này đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại (NHTM), trong tháng 2/2023 mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm; đã có 22 NHTM giảm lãi suất cho vay bình quân.
Từ ngày 6/3/2023, các NHTM đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi: Trong đó, 4 NHTM Nhà nước giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Còn các NHTM cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các NHTM giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay là thông tin tích cực được nhiều nhà đầu tư bất động sản kỳ vọng sẽ hồi phục được thị trường.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, tín dụng cho bất động sản đã quá nhiều. Và đây là một sự nỗ lực rất lớn của các ngân hàng trong thời gian vừa qua khi mà quy mô tín dụng cho lĩnh vực này tính đến cuối năm 2022 đã lên tới hơn 20% trong tổng tín dụng cho nền kinh tế. Tức, cứ 5 đồng vốn ngân hàng bỏ ra đã có 1 đồng vào bất động sản.
“Tín dụng bất động sản tăng tới 24%, tức là gần gấp đôi so với cấp độ chung tăng tín dụng cho nền kinh tế trong năm 2022. Như chúng ta đã nói, gần 70% vốn cho bất động sản là từ tín dụng ngân hàng”, vị này nói.
Song, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, lãi suất cho vay bất động sản trong mọi trường hợp rất khó thấp hơn so với lãi suất chung của thị trường. Tuy nhiên, xu hướng chung năm 2023 sẽ rất khả thi, có thể thực hiện được đó là lãi suất nói chung đối với bất động sản sẽ giảm.
Doanh nghiệp Việt Nam vừa trải qua một năm đầy khó khăn, thách thức khi tình hình thế giới bất ổn, các chuỗi giá trị tiếp tục đứt gãy, lạm phát thế giới tăng cao khiến FED liên tục tăng lãi suất với tần suất lớn, biên độ rộng. Trong nước, VND/USD mất giá nhanh và mạnh; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần tăng lãi suất điều hành vào tháng 9 và tháng 10 dẫn tới việc trên thị trường xảy ra một cuộc đua tăng lãi suất và treo cao từ đó đến nay.
Không chỉ chịu tác động của thế giới, trong nước biến động lớn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán đã gây áp lực nặng nề lên vấn đề thanh khoản, đẩy lãi suất ngân hàng tăng cao để hút tiền từ người dân, giải quyết các vấn đề trước mắt. Lãi suất tăng cao đã ảnh hưởng nặng nề tới đời sống doanh nghiệp.
Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy những con số đáng lo ngại về tình hình doanh nghiệp thành lập mới và tạm ngừng hoạt động, giải thể, cho thấy những diễn biến tiêu cực trên thị trường tài chính đang tác động trực tiếp tới đời sống doanh nghiệp.
Việc tăng cường kiểm soát tín dụng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu khiến các doanh nghiệp gặp khó trong việc huy động nguồn vốn. Bên cạnh đó, vấn đề đáo hạn trái phiếu cũng gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, chỉ tính riêng năm 2023 sẽ có khoảng 120,000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn và bước sang năm 2024 là khoảng 110,000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Việc mua lại lượng trái phiếu này đang gây áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp BĐS.
Tâm lý của khách hàng. Những thông tin tiêu cực của thị trường cùng với các hoạt động thanh tra, kiểm soát liên tục diễn ra trong thời gian qua gây mất niềm tin của nhà đầu tư lẫn khách hàng, khách hàng có tâm lý thận trọng hơn trong việc xuống tiền mua BĐS, điều này vô hình trung khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh.
Ngoài ra, những các yếu tố khác như lạm pháp, lãi suất, giá nguyên vật liệu… cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp BĐS tạm ngừng hoạt động đã tăng hơn 50% và số doanh nghiệp giải thể tăng hơn 20% so với cùng kỳ.
Dẫu vậy, Chính phủ cũng đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các và tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển ổn định, lành mạnh cho thị trường BĐS trong thời gian tới, đặc biệt là Nghị quyết số 33 mới được Chính phủ ban hành về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tổng Hợp
(Nhà Đầu Tư, Nhịp Sống Thị Trường)