Trong thời gian vừa qua, bên cạnh tình trạng xuất hiện các app “tín dụng đen” cho vay nặng lãi và lừa đảo khách hàng, thì các đối tượng cho vay nặng lãi không dùng hình thức công nghệ vẫn len lỏi trong đời sống xã hội.
Theo quy định Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Nếu phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Riêng với các hành vi ném mắm tôm, sơn, rác vào nhà sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1-2 triệu đồng theo Điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Tại khu vực TP HCM, tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế – xã hội của người dân, nhất là người lao động phổ thông, thu nhập thấp và các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ có nhu cầu vay vốn cao. Từ đó, hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” và các hành vi phạm pháp liên quan tiếp tục có những diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Thủ đoạn của các nhóm này là thuê và sử dụng số đối tượng côn đồ, nghiện ma túy để thực hiện thay các hoạt động cho vay như: phát, dán tờ rơi; đòi nợ, siết nợ, tạt sơn, tạt chất bẩn vào nhà người dân. Tại một số địa bàn, các đối tượng còn hoạt động thông qua “cò” môi giới tìm kiếm người vay và thu tiền giúp.
Một số băng nhóm hoạt động núp bóng doanh nghiệp kinh doanh như công ty tư vấn tài chính, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cửa hàng mua bán điện thoại… được tổ chức chặt chẽ, ngụy trang hành vi cho vay bằng các hợp đồng giả cách, cho khách vay ký giấy mượn nợ không đúng với lãi suất thực tế (thường ký giấy mượn nợ 5%/tháng nhưng thực tế lên đến 20-30%/tháng).
Trong thời gian qua, các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ. Nhưng theo các chuyên gia, tài chính tiêu dùng của Việt Nam phát triển vẫn chậm nếu so với ngay cả những nước trong khu vực. Chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực cung cấp số liệu, dù phát triển nhanh nhưng tín dụng tiêu dùng vẫn chỉ chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ nền kinh tế…Nếu so với các nước nước trong khu vực như Malaysia (15%), Thái Lan (17%), Indonesia (22,7%), Hàn Quốc (35%) thì tỉ lệ ở Việt Nam còn quá nhỏ. Đây cũng là chỉ số nêu lên dư địa phát triển cho lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều cho các ngân hàng, công ty tài chính.
Trong bối cảnh khó khăn, các công ty đã đẩy mạnh triển khai các sản phẩm tài chính tiêu dùng trên nền tảng số (Digital Lending), tận dụng ứng dụng CNTT để giảm chi phí bán hàng, hướng tới mức lãi suất cho vay hợp lý để đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng; thực hiện kiểm soát chặt chẽ, thực hiện đánh giá định kỳ danh mục sản phẩm, giới hạn doanh số giải ngân hoặc ngừng bán khi chạm ngưỡng giới hạn quản trị rủi ro quy định.
Đối với các app cho vay theo kiểu “tín dụng đen”, các đối tượng điều hành sẽ tung các chiêu trò để tránh tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Khi chuyển số tiền theo hợp đồng cho khách vay, các đối tượng sẽ tự động cắt luôn một khoản tiền – gọi là phí dịch vụ. Sau đó, các đối tượng sẽ tính lãi theo thời gian cho vay, với mức lãi ngân hàng cho phép nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thủ đoạn của các đối tượng phạm tội là: Một số đối tượng người nước ngoài lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến (thường gọi là app); như ứng dụng “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online” vừa bị lực lượng Công an triệt phá. Khi khách có nhu cầu vay tiền thì phải tải một trong 3 ứng dụng trên về máy điện thoại di động của mình. Để được cho vay, người vay phải điền đầy đủ các thông tin cá nhân, cung cấp hình ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng; bắt buộc phải chọn mục “đồng ý” trong hợp đồng cho vay điện tử, trong đó có điều khoản “người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động”. Sau khi người vay hoàn tất việc tạo tài khoản, ứng dụng sẽ tự động báo về hệ thống và có nhân viên của bộ phận cho vay tiếp nhận, liên lạc điện thoại với người vay để thu thập thêm thông tin, kiểm tra lại thông tin đã đăng ký trên app.
Các đối tượng này thường cho vay tín chấp với lãi suất cắt cổ, nếu “con nợ” không có khả năng thanh toán thì sẽ bị đe doạ, quấy rối đến giá đình người thân dưới nhiều hình thức.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)