Rất khó để nhìn ra một hướng đi sáng sủa của các doanh nghiệp địa ốc trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây nền kinh tế. Không ít doanh nghiệp, khi đối diện với thực tế bị dừng thi công, khó triển khai bán hàng, đã chọn cách… nằm im đợi dịch trôi qua.
Một số khác, nhờ có tích lũy tài chính, thời gian này chủ yếu hướng các hoạt động vào trong: tái cơ cấu hệ thống, tổ chức đào tạo nội bộ và âm thầm tìm kiếm cơ hội để khi dịch kết thúc có thể bắt tay ngay vào sản xuất, kinh doanh.
Thị trường chỉ có một số ít doanh nghiệp triển khai được công tác bán hàng nhờ sớm xây dựng hệ thống bán hàng trực tuyến. Đây hầu hết là cuộc chơi của các “đại gia”.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy một bức tranh khá tươi sáng đối với nhiều doanh nghiệp địa ốc khi doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước, đó là những “đại gia” như: Vinhomes, Vingroup, Novaland, Đất Xanh, Khang Điền, An Gia… Một số “đại gia” khác tuy sụt giảm về doanh thu nhưng lợi nhuận vẫn giữ được đà tăng trưởng mà điển hình là Phát Đạt, Nam Long…
Tuy nhiên, thị trường vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận so với cùng kỳ, chẳng hạn như: Nam Hà Nội (HoSE: NHA, giảm 92%), An Dương Thảo Điền (HoSE: HAR, giảm 91%), Hà Đô (HoSE: HDG, giảm 44%), Dream House (HoSE: DRH, giảm 84%), Hoàng Quân (HoSE: HQC, giảm 72%), LDG Group (HoSE: LDG, giảm 57%), Vạn Phát Hưng (HoSE: VPH, giảm 39%).
Một số doanh nghiệp thậm chí còn báo lỗ, chẳng hạn như: CEO Group (HNX: CEO, lỗ 94 tỷ đồng), Xuân Mai (UPCoM: XMC, lỗ 16 tỷ đòng), Địa ốc Sài Gòn (HoSE: SGR, lỗ 5,4 tỷ đồng)… Sự phân hóa lỗ lãi cho thấy câu chuyện của mỗi doanh nghiệp mỗi khác, không ai giống ai, cùng trong đại dịch mà người giàu cứ giàu, kẻ khó vẫn khó.
Tuy vậy, cũng cần nhớ rằng câu chuyện lỗ lãi trong ngành bất động sản có tính đặc thù, cụ thể là doanh nghiệp bất động sản chỉ ghi nhận doanh thu, lợi nhuận khi đã bàn giao sản phẩm. Bởi vậy doanh nghiệp nào có sản phẩm bàn giao vào nửa đầu năm nay sẽ ghi nhận doanh thu, lợi nhuận lớn và ngược lại. Sự đặc thù này, mặt khác, cũng cho phép các doanh nghiệp chủ động phân bổ lợi nhuận của mình theo kiểu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Bởi vậy, nhìn vào lỗ lãi nửa đầu năm 2021 chỉ thấy được một góc của bức tranh kinh doanh toàn ngành.
Một góc khác cần nhìn là dòng tiền kinh doanh. Ghi nhận từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp địa ốc niêm yết cho thấy, dù báo lãi lớn song nhiều doanh nghiệp lại có dòng tiền kinh doanh nửa đầu năm 2021 âm rất nặng. Các trường hợp điển hình là: Đất Xanh âm 33 tỷ đồng (dù đây là một mức cải thiện rất lớn so với mức âm 1.541 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái), Khang Điền âm 843 tỷ đồng, CEN Land âm 884 tỷ đồng, Năm Bảy Bảy âm 463 tỷ đồng, Hải Phát Invest âm 1.550 tỷ đồng, Nam Long Group âm 676 tỷ đồng, Nam Hà Nội âm 24 tỷ đồng, LDG Group âm 414 tỷ đồng…
Một góc khác nữa, quan trọng hơn, là kết quả nửa đầu năm 2021 chỉ phản ánh thì quá khứ – giai đoạn thị trường chưa bị tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Trên thực tế, dịch bệnh mới chỉ bùng lên dữ dội từ tháng Sáu tới nay. Bởi vậy, quý III/2021 mới thực sự là quý thử thách và cho thấy rõ nhất sự khó khăn của các doanh nghiệp nhà ở trong giai đoạn hiện nay. Nhiều khả năng, đó sẽ là một bức tranh đầy u ám.
Nhiều doanh nghiệp lớn đã tạm dừng các chiến dịch truyền thông – marketing cho các dự án nhà ở. Các kế hoạch này dự kiến sẽ chỉ tái khởi động sau ngày 15/9 – thời điểm TP. HCM phấn đấu kiểm soát được dịch. Tuy vậy, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản khi được hỏi về tình hình sản xuất, kinh doanh trong hoàn cảnh giãn cách kéo dài đã từ chối trả lời với lý do… “không biết phải nói gì”.
Cương Nguyễn