Hội thảo giải pháp phục hồi thị trường bất động sản hậu Covid-19 sẽ được tổ chức vào sáng 12/6 tại phòng Hội nghị Diên Hồng, tầng 18, tòa nhà Eurowindow Holding – Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Báo Xây dựng.
Đây là hội thảo chuyên sâu nhằm đưa ra những đánh giá khách quan toàn cảnh bức tranh thị trường bất động sản hậu Covid-19, về thách thức cũng như thời cơ để kịp thời đưa ra chính sách khuyến khích phát triển phục vụ ngành công nghiệp du lịch, bất động sản tạo nguồn thu cho quốc gia hay cảnh báo những nguy cơ nếu có.
Hội thảo sẽ tập trung phân tích thị trường bất động sản thời kỳ Covid-19 qua các chủ đề tham luận chính như: Thực trạng tình hình các doanh nghiệp bất động sản nửa đầu năm 2020. Cơ chế chính sách kích cầu kinh tế tác động đến thị trường bất động sản như giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng, giãn nợ, khoanh nợ, hạn chế thanh tra, kiểm toán, thúc đẩy đầu tư công, gia hạn giấy phép và tiến độ dự án chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dòng vốn lãi suất thấp từ ngân hàng vào kênh bất động sản.
Bất động sản công nghiệp Việt Nam đón xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Cơ hội bứt phá cho bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản đất nền các tỉnh trong dài hạn. Sự thích ứng, chiến lược của doanh nghiệp và sự khác biệt của dự án mới sau Covid-19.
Bên cạnh các tham luận sẽ là tọa đàm về các kịch bản và giải pháp phục hồi thị trường bất động sản nửa cuối năm 2020…
Hội thảo thu hút sự tham gia của các đại biểu, khách mời là đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng và các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ. Đại diện các Bộ, ngành liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và các Hội chuyên ngành. Đại diện các tập đoàn, Tổng Công ty Xây dựng, Công ty Xây dựng, sàn giao dịch bất động sản và các nhà đầu tư và các cơ quan thông tấn báo chí.
Trên thế giới hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn rất phức tạp, tuy nhiên tại Việt Nam nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh nên các hoạt động kinh tế đang dần quay trở về quỹ đạo bình thường. Dù chịu nhiều tác động không quá tích cực của tình hình dịch bệnh, nhưng theo kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP cả nước trong năm nay chỉ tăng 5,96%, giảm hơn 0,8% so với mục tiêu đề ra và thấp nhất trong 7 năm gần đây.
Ngay cả trong trường hợp đó, tăng trưởng của Việt Nam vẫn nằm trong top đầu khu vực và triển vọng có sự hỗ trợ lớn từ các yếu tố vĩ mô khác như lạm phát thấp, FDI tăng trưởng kỷ lục, nhiều hiệp định thương mại tự do mới được ký kết, hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung…
Với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam đã tạo ấn tượng tốt trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài nên bất động sản Việt Nam có cơ hội đón đầu luồng khách du lịch cũng như nguồn vốn đầu tư lớn từ các nước. Cùng với đó là những gói tín dụng của Chính phủ đi vào nền kinh tế, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản đang được thực hiện quyết liệt. Các nhà đầu tư phát triển dự án bất động sản và các sàn phân phối cũng có sự thay đổi chiến lược, sáng kiến tự thích nghi với điều kiện hoàn cảnh mới. Đây là những điều kiện thuận lợi thời kỳ hậu Covid-19.