Lĩnh vực mang về hàng trăm tỷ USD của TikTok đối mặt ‘cơn sóng dữ’.
Vào ngày 4/10, TikTok, thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance, đã phải đình chỉ nền tảng mua sắm tại Indonesia nhằm tuân thủ các quy định mới của chính phủ nước này.
TikTok Indonesia cho biết “ưu tiên của họ là tuân thủ luật pháp và quy định của địa phương”. Do đó, TikTok Indonesia sẽ “không còn tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại điện tử tại TikTok Shop Indonesia nữa” kể từ 5 giờ chiều (giờ địa phương) vào ngày 4/10.
Tuần trước, Indonesia thông báo sẽ yêu cầu các công ty công nghệ tách các dịch vụ thương mại điện tử khỏi ứng dụng mạng xã hội của họ. Điều này đồng nghĩa với việc quốc gia Đông Nam Á này cấm người dùng mua bán hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok và Facebook .
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, là nơi có khoảng 125 triệu người dùng TikTok, đã trở thành thị trường lớn thứ hai của TikTok. Công ty mẹ ByteDance đã đặt cược lớn vào quốc gia này, chọn đây là thị trường quốc tế đầu tiên để triển khai dịch vụ thương mại điện tử xã hội của mình.
Vào cuối tháng 6/2023, Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew cho biết công ty sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Indonesia và các quốc gia khác để tiếp tục mở rộng dấu ấn của mình trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, vào tháng trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã phàn nàn rằng thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội đang đe dọa và gây tổn hại đáng kể cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của đất nước. Indonesia hiện có hơn 64 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đóng góp hơn 60% GDP của đất nước.
Động thái của Indonesia đã giáng đòn đau lên TikTok và ByteDance khi thương mại điện tử là lĩnh vực kinh doanh lớn của nền tảng này. Tại Trung Quốc, mức chi tiêu của người tiêu dùng cho Douyin—phiên bản tiếng Trung của TikTok—đã tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái vào năm 2022, đạt 195 tỷ USD, theo The Information.
Lĩnh vực thương mại điện tử của TikTok đang trở nên “dễ tổn thương” hơn bao giờ hết. Ngoài Indonesia, TikTok Shop đã có mặt ở các quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore và Việt Nam, nhưng nó phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những đối thủ như Shopee và Lazada.
TikTok cũng đang nỗ lực tạo doanh thu thương mại điện tử tại Mỹ khi ra mắt TikTok Shop vào giữa tháng 9. Tuy nhiên, các dịch vụ chất lượng thấp và chính sách chia sẻ dữ liệu người tiêu dùng của TikTok đang khiến một số đối tác tiềm năng của TikTok mất hứng thú, Fortune đưa tin.
Không chỉ có nền tảng thương mại điện tử bị ảnh hưởng, TikTok còn vấp phải nhiều phản đối tại một số thị trường.
Mới đây, TikTok cũng đã bị phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động tại Việt Nam. Các sai phạm của TikTok liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội, về bảo vệ trẻ em và về hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Trên cơ sở đó, Đoàn kiểm tra yêu cầu TikTok Việt Nam chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với các hoạt động vi phạm.
Liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, TikTok chưa công bố thông tin về chủ sở hữu ứng dụng trên trang chủ của ứng dụng TikTok Shop. Nền tảng này cũng chưa lưu trữ đầy đủ thông tin người bán theo quy định khi đăng ký sử dụng dịch vụ. Đồng thời, TikTok chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin về hàng hóa của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định.
Trước đó, ứng dụng này cũng nằm trong tầm ngắm của các nhà lập pháp Mỹ, những người coi TikTok là một rủi ro an ninh quốc gia. Mỹ đã cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị của chính phủ và một số quan chức và nhà lập pháp đang xem xét lệnh cấm hoàn toàn ứng dụng mạng xã hội này.
Tổng Hợp
(Fortune)