Lãi suất tiết kiệm sẽ giảm đến mức nào? khi Tiền nhàn rỗi của người dân vẫn chọn ngân hàng là điểm tin cậy gửi gắm trong bối cảnh hiện nay.
Chẳng hạn, ACB mới điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 – 11 tháng đồng loạt giảm 0,1%. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn được giữ nguyên.
VPBank cũng giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 6,6%/năm. Đối với khách hàng ưu tiên gửi 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, VPBank áp dụng lãi suất huy động là 7,1%/năm.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh so với những tháng đầu năm và không còn ngân hàng nào niêm yết mức lãi suất 8%/năm, mức lãi suất huy động phổ biến cho các kỳ hạn dài từ 7-7,5%/năm đối với những ngân hàng thương mại cổ phần.
Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất kỳ hạn dài chỉ còn 6-6,3%/năm. Vietcombank điều chỉnh giảm hầu hết các kỳ hạn kể từ hôm nay. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 – 2 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm, còn 3,4%/năm. Kỳ hạn 3 – 5 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm, còn 4,2%/năm.
Đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng, Vietcombank giảm đồng loạt 0,1 điểm phần trăm xuống còn 5,1%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên vẫn được ngân hàng này giữ nguyên 6,3%/năm.
Còn tại Agribank, lãi suất các kỳ hạn tiền gửi từ 6 – 9 tháng được Agribank điều chỉnh giảm mạnh 0,6 điểm phần trăm, chỉ còn 5,1%/năm. Kỳ hạn 1 – 2 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm còn 4,1%/năm; kỳ hạn 3 – 5 tháng giữ nguyên 4,5%/năm.
Lãi suất các kỳ hạn 13 tháng, 18 tháng và 24 tháng cũng được điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 6%/năm. Riêng tiền gửi kỳ hạn 12 tháng giữ nguyên mức lãi suất cũ 6,3%/năm.
Tuy nhiên, dự báo lãi suất huy động bình quân 12 tháng giảm về quanh mức 6,2%. Các nhà phân tích của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 6,2%. Lãi suất cho vay bình quân kỳ hạn 12 tháng, dù có độ trễ nhưng cũng sẽ có xu hướng giảm là chủ đạo.
Theo KBSV, bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lãi suất huy động đã giảm tương đối mạnh, khoảng 1,35% trong khi lãi suất cho vay sẽ có độ trễ 3 – 6 tháng bởi giá vốn đầu vào của các ngân hàng vẫn chịu mức chi phí cao hơn do các khoản tiền gửi lãi suất cao chưa đáo hạn; đồng thời rủi ro nợ xấu cũng sẽ tác động tới quyết định hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng. Theo ước tính sơ bộ, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ nhiệt 1% so với thời điểm cuối năm 2022.
KBSV cho rằng, lạm phát đã có xu hướng hạ nhiệt từ đầu năm đến nay với lạm phát tháng 6/2023 tăng 2% so với cùng kỳ, giảm so với mức đỉnh 4,9% vào tháng 1/2023.
Tuy nhiên, do nền kinh tế đang phục hồi chậm, tiêu dùng nội địa yếu, cùng với những yếu tố khác như giảm 2% thuế VAT, chỉ số giá nhập khẩu bình ổn, lạm phát sẽ chưa gây ra nhiều áp lực trong thời gian tới.
Do vậy, nhóm phân tích dự báo CPI của Việt Nam năm 2023 ở mức 2,8% – kiểm soát tốt trong mục tiêu 4.5% của Quốc hội sẽ là cơ sở để lãi suất huy động giảm trong thời gian tới.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp kỷ lục, tính đến hết tháng 5 chỉ đạt 3,2% so với đầu năm và nhiều khả năng tăng trưởng cả năm sẽ cách xa mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Một cuộc điều tra gần đây do Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho thấy các ngân hàng thương mại kỳ vọng dư nợ tín dụng tăng 12,5%, điều chỉnh giảm 0,6% so với kỳ điều tra trước. Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn tỏ ra kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% – 15% trong năm nay.
Lãi suất huy động đã giảm mạnh trong những tháng gần đây sau khi Ngân hàng Nhà nước có 4 lần giảm lãi suất điều hành chỉ trong vòng hơn 3 tháng gần đây, đánh dấu chu kỳ hạ lãi suất nhanh nhất trong những năm gần đây. Sau những động thái quyết liệu của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động giảm dần.
VnDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 6,5-6,7%/năm vào cuối năm 2023, dựa trên những lý do sau: nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và vẫn còn dư địa giảm thêm lãi suất điều hành vào 2 quý cuối năm 2023
Sau 4 làn hạ lãi suất điều hành, thị trường và các tổ chức phân tích vẫn kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ thêm 0,5 điểm % đưa lãi suất điều hành về 4% trong quý III/2023. Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, bối cảnh hiện nay đã khác nên lãi suất cho vay khó có thể quay về thời tiền rẻ như mức thời Covid-19.
Vả lại, trước bối cảnh thị trường có khó khăn hiện nay người dân vẫn chọn gửi tiết kiệm ngân hàng, thay vì đầu tư vào bất động sản, chứng khoán… khi các kênh đầu tư này chưa thực sự hồi phục.
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 5-2023 cho thấy tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng mạnh 8,21% so với cuối năm ngoái.
Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế chảy vào hệ thống ngân hàng giảm 3,45%, phản ánh bức tranh kinh tế còn khó khăn, dòng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp không dồi dào. Đáng chú ý, tiền gửi của dân cư đổ vào hệ thống ngân hàng tăng cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.
Về con số cụ thể, tính đến cuối tháng 5, tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,34 triệu tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số 5,74 triệu tỷ đồng tiền gửi của các tổ chức kinh tế. Tính ra, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng liên tục từ tháng 9 năm ngoái đến nay. Nếu tính trong 5 tháng đầu năm 2023, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm gần 400.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chứng khoán sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn trong thời gian tới khi lãi suất tiền gửi xuống thấp hơn hiện nay. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ kém hấp dẫn hơn trong nửa sau của năm 2023.
Tổng Hợp
(ĐTCK)