Ghi nhận tại phòng giao dịch của một ngân hàng, vào thời điểm cuối năm, nhiều người dân đến để thực hiện các giao dịch hơn bình thường khoảng 10 – 20%. Đặc biệt, số người đến gửi tiền tiết kiệm cũng tăng lên đáng kể.
“Trước đây tôi gửi kỳ hạn 1 – 2 tháng, nhưng bây giờ tôi gửi kỳ hạn 6 tháng vì hiện gửi 6 tháng lãi suất cao”, một khách hàng chia sẻ.
Người dân dịch chuyển từ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài cũng giúp cơ cấu vốn của các ngân hàng bền vững hơn. Đại diện ngân hàng cho biết các kỳ hạn 12, 13 tháng đang được nhiều người quan tâm thời gian gần đây.
“Lượng tiền vào đối với cả chi nhánh tăng trưởng khoảng 10 – 20%, huy động được vốn dài hạn thì chi nhánh sẽ chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh cũng như tăng hiệu quả kinh doanh của chi nhánh”, bà Hoàng Thị Ngọc, Phó Giám đốc ngân hàng BIDV chi nhánh Hoàn Kiếm, cho hay.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có gần 5,7 triệu tỷ đồng tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng, chưa kể số tiền của các tổ chức kinh tế. Lượng tiền này sẽ giúp các ngân hàng đảm bảo đáp ứng các nhu cầu giao dịch cho dịp cuối năm.
Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước có Văn bản số 9064/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, yêu cầu nghiêm túc thực hiện một số nội dung về công tác tín dụng, lãi suất trong thời gian tới. Trong đó, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa giảm lãi suất cho vay theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này”, Văn bản số 9064/NHNN-TD nêu rõ.
Một lãnh đạo cao cấp Eximbank cho biết, sau khi Ngân hàng Nhà nước có 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, người dân luôn kỳ vọng lãi suất thực tế cao hơn lãi suất chính thức được các ngân hàng niêm yết. Nhiều người gọi điện cho các ngân hàng kiểm tra chéo xem lãi suất ngân hàng nào cao rồi mới quyết định việc gửi tiết kiệm. Điều này gây khó khăn cho các ngân hàng, bởi cạnh tranh huy động vốn ngày càng trở nên gay gắt và lãi suất huy động tiếp tục tăng nhưng lãi suất cho vay hầu như không tăng.
“Ngân hàng Nhà nước cần sớm có giải pháp bổ sung vốn cho nền kinh tế”, vị lãnh đạo Eximbank nói.
Ông Lê Anh Tú, Phó tổng giám đốc Nam A Bank chia sẻ, sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản, lãi suất huy động bình quân 2 tháng gần đây tăng từ 1 – 2%/năm, chủ yếu ở kỳ hạn dài. Để giảm lãi suất đầu ra, phải giảm được lãi suất đầu vào và lãi suất tối đa không quá 9,5%/năm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ thanh khoản rất tích cực thời gian qua, cần cố gắng duy trì thêm một thời gian nữa để dòng tiền dần dần ngấm vào thị trường.
Đại diện đến từ Bao Viet Bank nói: “Không muốn có sự cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng, nhưng trong thời điểm hiện nay, việc kêu gọi đồng thuận là khó nên cần có quy định và chế tài cụ thể mới giảm được lãi suất huy động”.
Cùng chung quan điểm huy động vốn khó khăn, ông Lê Đăng Khoa, Phó tổng giám đốc SHB đề xuất: thứ nhất, thị trường liên ngân hàng hoạt động rất kém, đề nghị các ngân hàng lớn nới việc cho vay để hoạt động cho vay quay trở lại bình thường nhằm có nguồn phục vụ sản xuất – kinh doanh; thứ hai, cần nghiệp vụ thị trường mở (OMO) kỳ hạn dài, không đấu thầu lãi suất mà chỉ đấu thầu khối lượng để ngân hàng có nguồn vốn ổn định cho vay doanh nghiệp sản xuất; thứ ba, xem xét tái cấp vốn cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất được chỉ định.
Thực tế, dưới áp lực về thanh khoản, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1 tăng nhanh. Lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng của khối ngân hàng thương mại cổ phần phổ biến từ 8,5 – 10%/năm, tăng 4 – 5%/năm so với cuối năm 2021.
Để giảm lãi suất đầu ra, phải giảm được lãi suất đầu vào, nhưng việc này không dễ thực hiện.
Tổng Hợp
(VTV, Tin Nhanh Chứng Khoán)