Trong báo cáo công bố ngày 27/3 vừa qua, WB dự báo tiềm năng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ, với trung bình 2,2% một năm từ nay cho đến năm 2030.
Điều này có khả năng mở ra một “thập kỷ mất mát” cho nền kinh tế thế giới trừ khi các kế hoạch lớn để tăng nguồn cung lao động, năng suất lao động và đầu tư được thực hiện.
WB cho biết việc không thể đảo ngược xu hướng giảm tốc tăng trưởng toàn cầu sẽ tác động sâu sắc đến khả năng giải quyết các vấn đề như giảm đói nghèo, chênh lệch thu nhập và biến đổi khí hậu.
Ông Indermit Gill – Nhà kinh tế trưởng của WB, nhận định: “Một thập kỷ mất mát đang hình thành”. Điểm đáng chú ý trong báo cáo dài 550 trang của WB là các chính sách khuyến khích việc làm, tăng năng suất cũng như nguồn cung lao động và thúc đẩy đầu tư có thể đảo ngược xu hướng này.
Theo ông Ayhan Kose – giám đốc bộ phận dự báo của WB, hiện WB cũng đang theo dõi các diễn biến trong lĩnh vực ngân hàng trong bối cảnh việc tăng lãi suất và thắt chặt điều kiện tài chính đã làm tăng chi phí đi vay của các nước đang phát triển. “Sự giảm tốc mà chúng tôi đang đề cập đến có thể nghiêm trọng hơn nhiều nếu một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác nổ ra, đặc biệt nếu cuộc khủng hoảng đó đi kèm với suy thoái toàn cầu”, ông Kose nói thêm.
Báo cáo mới nhất của WB được đặt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang quay cuồng vì cuộc xung đột Nga – Ukraine và nỗ lực mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 của các quốc gia.
Theo báo cáo, đại dịch Covid-19 đã tạo ra những bất ổn lớn cho các công ty và làm giảm tốc độ tăng trưởng đầu tư trên thế giới xuống mức 3,5% hàng năm – bằng một nửa mức của 2 thập kỷ qua. Dịch bệnh cũng tác động đến lĩnh vực giáo dục, ảnh hưởng đến các kỹ năng nghề nghiệp và dẫn tới việc ít người làm việc hơn dự kiến tại nhiều quốc gia.
Mặt khác, xung đột Nga – Ukraine đã làm gia tăng những bất ổn và làm giảm đầu tư, đặc biệt là ở châu Âu. Ông Kose cho biết sự kết hợp của những yếu tố trên có nghĩa là “kỷ nguyên vàng của sự phát triển dường như sắp kết thúc”. Theo ông, tình trạng hỗn loạn trong hai tuần qua trên thị trường tài chính là mối quan tâm lớn đối với triển vọng kinh tế hiện tại và trong 4 đến 5 năm tới.
Những gì báo cáo của WB thể hiện là các cuộc khủng hoảng liên tiếp trong vài năm qua đã chấm dứt gần 3 thập kỷ tăng trưởng bền vững của kinh tế toàn cầu.
Kết quả là, tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình được dự đoán sẽ giảm xuống còn 2,2% trong giai đoạn 2022 – 2030. Tỷ lệ này thấp hơn so với 2,6% trong giai đoạn 2011-2021 và 3,5% trong giai đoạn 2000-2010.
Theo WB, tăng trưởng đầu tư giai đoạn 2022-2024 chỉ bằng một nửa so với 20 năm trước và thương mại quốc tế cũng tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều. Ngoài ra, mức độ đầu tư thấp cũng sẽ làm chậm tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển.
GDP trung bình của nhóm này được dự đoán chỉ tăng 4% trong giai đoạn 2022-2030. Trong khi đó, tốc độ này là 5% trong giai đoạn 2011-2021 và 6% trong giai đoạn 2000-2010. Báo cáo cũng chỉ ra rằng năng suất lao động đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2000.
Nhiều nền kinh tế, bao gồm cả Trung Quốc, đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Chính vì thế, một số chính sách nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh hoặc tăng tuổi nghỉ hưu đã được áp dụng để cải thiện tình hình.
Tuy nhiên, năm nay, kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi và được thúc đẩy chủ yếu bởi sự phục hồi của nhu cầu trong nước. WB cho biết sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng ước tính khoảng 5% trong năm nay sẽ là tín hiệu tích cực giúp giữ cho kinh tế toàn cầu không rơi vào suy thoái.
Mặc dù vậy, khả năng giữ cho kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng có thể suy yếu đáng kể nếu kinh tế Trung Quốc có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong những năm tới.
Ông Gill nhận định: “Chúng ta đã quen với việc Trung Quốc là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu và điều đó sẽ thay đổi khi kinh tế nước này giảm tốc theo thời gian. Câu hỏi đặt ra lúc này là thay thế vai trò đầu tàu tăng trưởng của Trung Quốc với kinh tế thế giới bằng động lực nào?”.
Theo ông, câu trả lời nằm ở việc tìm ra giải pháp nhằm tận dụng các thay đổi cơ cấu lớn nhất mà mỗi quốc gia có thể thực hiện để duy trì hoạt động và sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Tổng Hợp