Sáng 30-8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khóa XV đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Thảo luận, một số ĐB cho rằng việc cho phép chuyển nhượng đất nông nghiệp (ĐNN) với người không canh tác sản xuất dễ dẫn đến thu gom đất để trục lợi.
Từ đầu năm đến nay, Văn phòng đăng ký đất đai – Chi nhánh huyện Lý Sơn tiếp nhận hàng chục hồ sơ đăng ký biến động do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của nhiều người thường trú ngoài huyện đảo. Trong đó, chủ yếu là đất nông nghiệp với tổng diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông. Qua kiểm tra, giá trị chuyển nhượng của mỗi lô đất nông nghiệp cao gấp hàng chục lần so với giá nhà nước. Đa phần những người này mua đất nông nghiệp nhưng không trực tiếp sản xuất mà vẫn cho chủ cũ tiếp tục sản xuất. Họ mua đất nhằm mục đích đầu tư, chờ tăng giá kiếm lời khi đền bù, giải toả. Nhiều người dân Lý Sơn chỉ thấy lợi trước mắt do thấy giá đất bán cao gấp nhiều lần so với mức giá đền bù khi Nhà nước thu hồi đất. Hệ luỵ về sau, người dân sẽ không còn đất để sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống an sinh, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai…
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lo ngại khi dự thảo cho phép mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng ĐNN mà không trực tiếp canh tác, sản xuất. Dẫn thực trạng ở ĐBSCL, ông Hòa cho biết có người không canh tác, không sản xuất nhưng vẫn tích tụ ĐNN để “chờ quy hoạch”. Những người này cho thuê, chuyển nhượng ĐNN gây khó khăn cơ quan quản lý; tổ chức, đơn vị muốn vào khai thác đất để sản xuất quy mô lớn cũng gặp rất nhiều vướng mắc. ĐB Hòa đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, quy định theo hướng nếu nhà đầu tư muốn nhận chuyển nhượng, tích tụ ĐNN cần cam kết thực hiện các mục đích kinh tế nông nghiệp.
ĐB Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) đề nghị dự thảo quy định rõ hơn, theo hướng tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng ĐNN phải có phương án sử dụng được UBND cấp tỉnh chấp thuận. Phương án sử dụng phải thể hiện địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất; kế hoạch sản xuất kinh doanh nông nghiệp; vốn đầu tư; thời hạn và tiến độ sử dụng đất. ĐB Huy đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra đánh giá kỹ, tránh việc lợi dụng chính sách thu gom đất trồng lúa để đầu cơ; kiểm soát chặt việc chuyển mục đích sử dụng ĐNN sau khi nhận chuyển nhượng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh, dự kiến dự thảo bổ sung quy định tổ chức muốn tích tụ ĐNN phải thành lập doanh nghiệp (DN) và phải có phương án sản xuất, kinh doanh, báo cáo UBND cấp tỉnh. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, ông Thanh cho biết sẽ rà soát, có thêm quy định yêu cầu phải có dự án đầu tư; bổ sung chế tài để ngăn chặn tình trạng tích tụ ĐNN để chuyển mục đích sử dụng đất, trục lợi.
Về các vấn đề liên quan đến dự án nhà ở thương mại (NƠTM), theo ông Thanh, một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là chưa có phương án tốt nhất khi quy định về các trường hợp được thỏa thuận về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) hoặc đang có QSDĐ thực hiện dự án NƠTM.
ĐB Nguyễn Công Long (Đồng Nai), Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, cho rằng mục đích của quy định này thực chất là cho phép DN thỏa thuận xây dựng NƠTM trên đất không phải đất ở. Theo ông Long, tại kỳ họp QH bất thường lần thứ nhất (tháng 1-2022), Chính phủ đề nghị sửa Luật Nhà ở theo hướng cho phép DN thỏa thuận xây dựng NƠTM trên đất không phải đất ở. Ông Long phân tích: “Khi giải trình tiếp thu, Ủy ban Thường vụ QH trong báo cáo số 104 ngày 1-1-2022 nêu rõ quan điểm không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để xây dựng NƠTM, tránh xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, gây thất thoát ngân sách nhà nước”. Tuy nhiên, ông Long cũng bày tỏ băn khoăn tại sao phải “xới xáo lại vấn đề này”. Theo ĐB tỉnh Đồng Nai, Nghị quyết số 18-NQ/TW nêu rõ tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận trong chuyển nhượng QSDĐ giữa người dân và DN trong dự án đô thị NƠTM; tuy nhiên, nên cân nhắc vận dụng Nghị quyết 18 theo hướng cho DN thỏa thuận QSDĐ khác để kinh doanh dự án NƠTM. “Không thể vận dụng theo kiểu thế này. Quy định thế này thì DN, nhà đầu tư bất động sản có quyền mua ĐNN, đất rừng chuyển sang mục đích xây dự án NƠTM. Tại điều 127, DN chỉ được thỏa thuận chuyển nhượng QSDĐ để xây dựng NƠTM theo đúng mục đích và quy hoạch” – ĐB Long nhấn mạnh.
Tổng Hợp
(Người Lao Động, VOV)