Năm nay, với việc thưởng Tết có thể bị giảm, lương tối thiểu không tăng, khó khăn đối với người lao động sẽ tăng thêm.
Những tháng cuối năm cũng thường là “cao điểm” của các vụ ngừng việc tập thể liên quan đến việc chi trả lương, thưởng Tết, các chế độ, chính sách của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với người lao động.
Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021 được các cấp Công đoàn tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm đó là tập trung sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình lao động, việc làm của người lao động và tăng cường xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh thương lượng với doanh nghiệp để sớm có kế hoạch chăm lo Tết cũng như việc chi trả chế độ, chính sách đầy đủ, giúp người lao động yên tâm gắn bó, giữ ổn định quan hệ lao động.
Theo khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, người lao động có mức thưởng bình quân là 2,34 triệu đồng/người trong Tết Dương lịch 2021. Mức thưởng cao nhất dịp Tết Dương lịch năm 2021 là 990 triệu đồng, tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh. Với Tết Nguyên đán 2021, mức thưởng bình quân gần bằng 1 tháng lương (6,36 triệu đồng/người). Mức thưởng cao nhất dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 là 1,07 tỷ đồng, tại doanh nghiệp dân doanh ở TP Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị cung cấp thông tin về tình hình công nhân, viên chức, lao động, hoạt động công đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, nền kinh tế của đất nước đang rất khó khăn. Cả doanh nghiệp và người lao động cũng đang rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp hiện trong giai đoạn phục hồi.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, qua thực tế mà tổ chức công đoàn nắm được, rất nhiều doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội cao, vẫn đang nỗ lực ở mức cao nhất, chia sẻ lợi nhuận và thậm chí chấp nhận cả việc chưa lãi, hoặc lỗ để có thể giữ chân người lao động và giúp người lao động có một cái Tết cơ bản. “Chăm lo Tết cũng là một cách giữ chân người lao động trong bối cảnh thiếu lao động như hiện nay”, ông Hiểu cho biết.
Sau đợt dịch lần thứ tư cuộc sống của đa số người lao động tại Đồng Nai đều rất khó khăn, dù đã đi làm trở lại được hơn một tháng nhưng tâm lý, đời sống vẫn còn bất ổn. Người lao động đang mong ngóng từng ngày các khoản lương, thưởng Tết vào dịp cuối năm để tạo động lực tinh thần thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh trong năm 2022.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng vừa qua:
– 48.500 doanh nghiệp ngừng kinh doanh
– 35.000 doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục giải thể
– 13.600 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể
– 323 doanh nghiệp đóng cửa, dừng hoạt động mỗi ngày, tương đương mỗi tháng có 9.700 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Sự tác động của dịch bệnh chưa bao giờ rõ ràng đến thế. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hệ thống phân phối bị đình trệ, nguồn vốn cạn dần… Sau những gồng mình vì dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải lựa chọn phương án cuối cùng là đóng cửa. Sự lao đao của các doanh nghiệp tất yếu dẫn đến sự bấp bênh trong việc làm và thu nhập của người lao động trong năm qua. Ước tính trong quý III, số người thất nghiệp là hơn 1,7 triệu người, tăng hơn 500.000 người so với quý trước, bên cạnh đó là lượng lớn những người phải ngừng việc, nghỉ việc không lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.
Khó khăn là tình trạng chung của các doanh nghiệp và người lao động trong năm nay, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận tải… Điều này, ảnh hưởng trực tiếp đến mức thưởng Tết của người lao động.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)