Sau nhiều lần được các cổ đông liên tục nhắc nhở về việc tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản, có thể nói đến nay Thuduc House mới thực sự để tâm khi ban điều hành chính thức công bố chiến lược phát triển và có định hướng rõ ràng hơn sau cơn khủng hoảng.
Tại ba kỳ ĐHĐCĐ thường niên gần nhất của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, Mã: TDH), các cổ đông lớn liên tục chất vấn và yêu cầu ban điều hành công ty thoái vốn các mảng kinh doanh ngoài ngành, không mang lại lợi nhuận để tập trung cho bất động sản.
Lý do các cổ đông đưa ra là công ty đang phung phí nguồn lực, cả về vốn, nhân lực và chi phí cơ hội. Trong khi các doanh nghiệp cùng ngành quyết liệt trong việc phát triển quỹ đất giai đoạn 2018-2019 thì Thuduc House dậm chân tại chỗ và tìm kiếm lợi nhuận ở các công ty kinh doanh khoáng sản. Chưa kể, phần lớn các dự án đang triển khai lại chậm tiến độ, làm ảnh hưởng chung đến kết quả kinh doanh của công ty.
Sau chuỗi khủng hoảng kéo dài từ năm ngoái và đỉnh điểm là sự kiện hàng loạt lãnh đạo cấp cao bị bắt vừa qua, ban điều hành đương nhiệm của Thuduc House thừa nhận doanh nghiệp phải đối mặt với khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử hơn 30 năm phát triển. Song, đây cũng là cơ hội để công ty tiến hành tái cấu trúc, từ nhân sự đến tài sản, hoạt động kinh doanh và tầm nhìn, chiến lược trong tương lai.
Theo chia sẻ của ông Đàm Mạnh Cường, Tổng Giám đốc Thuduc House, định hướng kinh doanh của công ty trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển mảng kinh doanh lõi là bất động sản, với tỷ trọng đóng góp 60% doanh thu và khởi động lại mảng quản lý chợ – lĩnh vực đã tạo nên tên tuổi cho Thuduc House.
Mục tiêu M&A ba dự án có tổng quy mô vốn 10.000 tỷ
Cũng theo thông tin từ Tổng Giám đốc Thuduc House, phía doanh nghiệp đang trong quá trình thương thảo với một số đối tác có quỹ đất lớn và vị trí đẹp tại TP HCM, Vũng Tàu, Bình Thuận và Cần Thơ.
Các dự án công ty đang theo đuổi có quy mô khá lớn với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Riêng việc nhận chuyển nhượng một dự án cần khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng. Về thông tin chi tiết từng dự án, ban lãnh đạo công ty không thể chia sẻ vào thời điểm này bởi thương vụ chưa hoàn tất.
“Sau khi đàm phán thành công, chúng tôi sẽ tiến hành đặt cọc để được nhận chuyển nhượng dự án và có văn bản lấy ý kiến cổ đông thông qua, bao gồm các thông tin chi tiết về dự án, tổng mức đầu tư, doanh thu, lợi nhuận dự kiến,… Nếu những dự án này thành công có thể tạo tiền đề tài chính mạnh cho Thuduc House trong 3-5 năm tới”, ông Đàm Mạnh Cường chia sẻ.
Hồi cuối tháng 9, Thuduc House từng công bố thông tin về việc hợp tác với CTCP Louis Land (Mã: BII) phát triển 4 dự án. Tuy nhiên, cái bắt tay này chính thức dừng lại vào cuối tháng 10, sau sự kiện cổ phiếu TDH của Thuduc House bị đưa vào diện kiểm soát và Louis Land có động thái thoái vốn sau đó. Cách đây không lâu, Thuduc House đã chuyển nhượng Khu nhà ở Golden Hill 8,68 ha (Phú Mỹ, Bà Rịa Vũng Tàu) và Cao ốc hỗn hợp Aster Garden Towers 1,98 ha (Bình Dương).
Hiện nay, Thuduc House đang trong quá trình hoàn tất giao dịch thoái vốn tại CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP HCM (Fideco, Mã: FDC) – chủ đầu tư Khu dân cư Cần Giờ 29,8 ha. Dự án này khởi động từ năm 2019 nhưng đến nay chủ đầu tư đã xin gia hạn thời gian thực hiện thêm 24 tháng và đang chờ quyết định chính thức của UBND TP HCM.
Đối với tòa nhà văn phòng số 28 Phùng Khắc Khoan (quận 1, TP HCM), công trình đang tạm dừng và cần điều chỉnh lại tiến độ. Thuduc House dự kiến xin giấy phép thiết kế xây dựng trong quý II/2022.
Riêng Khu phức hợp Centum Wealth (quận 9) do Công ty TNHH Bách Phú Thịnh, thành viên của Thuduc House làm chủ đầu tư đã bắt đầu bàn giao cho khách hàng và ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ cuối năm ngoái. Dự án này có tổng mức đầu tư 50 triệu USD và khoảng 544 sản phẩm. Hiện công ty đang xin giấy phép bán hàng 104 căn hộ còn lại. Ngoài ra, công ty đang tìm kiếm thêm các quỹ đất quy mô 1-10 ha để xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân, người lao động, hợp tác đầu tư văn phòng vừa và nhỏ.
Tái khởi động mảng quản lý chợ
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào sáng ngày 22/12, Tổng Giám đốc Thuduc House cho biết công ty có kế hoạch quay lại mảng quản lý chợ. Công ty đang xúc tiến với các đối tác để gia tăng hình ảnh của Thuduc House ở mảng này, không chỉ tại TP HCM mà còn ở các địa phương khác có nhu cầu phát triển mô hình chợ nông sản.
Thuduc House bắt đầu xây dựng Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vào năm 2003 thông qua Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức có vốn điều lệ 37 tỷ đồng. Khởi đầu doanh thu của chợ từ vài trăm triệu đồng tăng lên vài trăm tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2016-2018, đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của Thuduc House.
Năm 2018, Thuduc House bán 51% vốn tại công ty quản lý chợ theo hình thức ESOP để đủ điều kiện hạch toán lợi nhuận vào kết quả kinh doanh theo quy định. Giữa năm ngoái, Thuduc House bất ngờ công bố sẽ thoái hết phần vốn còn lại, mặc dù ban lãnh đạo từng cam kết với cổ đông sau lần công ty bán vốn vào năm 2018 và trong bối cảnh công ty lỗ lũy kế.
Để hiện thực hóa các kế hoạch nói trên, Thuduc House cần nguồn vốn tương đối lớn. Trước mắt công ty sẽ phát hành riêng lẻ để huy động 1.440 tỷ đồng và kỳ vọng việc này sẽ hoàn tất trong quý II năm sau.
Đồng thời, công ty sẽ tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ khác từ ngân hàng, quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng khác,… Sau khi xóa được lỗ lũy kế, công ty đủ điều kiện và sẽ tiến hành huy động vốn từ các cổ đông hiện hữu. Tính đến cuối tháng 9, công ty còn lỗ lũy kế hơn 213 tỷ đồng và dự kiến lợi nhuận sau thuế vẫn âm đến hết năm nay.