Thực tế thi hành Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, ngay từ quy định về vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai. Công việc hệ trọng này sẽ được hoàn thành ở mức độ nào phụ thuộc rất lớn vào việc ý kiến xác đáng của nhân dân được tiếp thu ra sao.
Không phải vô cớ mà từ nhiệm kỳ trước của Quốc hội, ròng rã nhiều kỳ họp, yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai đều được nêu trước nghị trường. Đến nay, Luật Đất đai (sửa đổi) được xác định là nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ này, bởi độ phức tạp, nhạy cảm, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước.
Thế nên, ngoại trừ Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, thì chỉ có Luật Đất đai mới tổ chức lấy ý kiến nhân dân với một kế hoạch riêng. Và dự thảo được lấy ý kiến nhân dân cũng đã được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư, với hầu hết những điểm mới của lần sửa đổi này vẫn còn đang gây tranh luận với quan điểm nhiều chiều.
Vì thế, việc tổ chức lấy ý kiến sẽ không chỉ đơn giản là công bố công khai dự thảo và tạo ra những kênh để nhân dân góp ý. Mà đầu tiên là phải cung cấp tối đa thông tin, thậm chí phải tổ chức các buổi báo cáo theo chuyên đề để người dân hiểu được lần này có những chính sách nào được sửa đổi, sửa như thế nào và sẽ tác động ra sao đến quyền và nghĩa vụ của từng người, từng gia đình.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, để lắng nghe được ý kiến nhân dân, không nên chỉ mời đại diện, mà phải trực tiếp đến từng tổ dân phố nghe dân nói, đặc biệt là để người dân ở những vùng mà hiện đang có vướng mắc, có khiếu kiện được góp ý. Qua đó, sẽ biết được là cái gì thực tiễn đang đòi hỏi để việc sửa đổi sát với thực tiễn.
Đặc biệt, ông Tạ Văn Hạ cho rằng, Dự thảo cần hết sức tránh chuyện “tu từ”, câu chữ nghe có vẻ rất hay, nhưng dân đọc lại không hiểu được, phải chờ nghị định, chờ thông tư. Thế nhưng, nhiều khi luật thì mở, mà nghị định và thông tư lại khép.
Những khiếu kiện dai dẳng, những xô xát đáng tiếc, nước mắt và cả máu cũng đã đổ trong nhiều tranh chấp đất đai.
Tất nhiên, nhiều vụ việc trong số đó có nguyên do cả từ nhận thức, hiểu biết pháp luật của người sử dụng đất, cả sự cố tình vi phạm của cán bộ ở nhiều cấp, nhưng không thể phủ nhận nguyên nhân từ những bất cập của Luật Đất đai hiện hành.
Đánh giá tình hình thi hành Luật Đất đai 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ ra rất nhiều bất cập, hạn chế, ngay từ quy định về vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai.
Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013 đã có một chương quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai, trong đó đã quy định về quyền của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu về đất đai và trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý đất đai.
Tuy nhiên, các quy định ở chương này chưa bảo đảm sự tách bạch và minh định trách nhiệm chức năng đại diện chủ sở hữu đất đai của Nhà nước với chức năng thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Đây là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lạm quyền, tiêu cực trong việc quyết định số phận pháp lý của đất đai, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng.
Mặt khác, quá trình triển khai thi hành Luật Đất đai trên thực tế cho thấy, theo quy định, Nhà nước có rất nhiều quyền (quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; quyết định mục đích sử dụng đất; quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất; quyết định giá đất; quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai…), nhưng thực chất lại chưa thực sự quản lý chặt chẽ được đất đai.
Một số quyền định đoạt của Nhà nước về thu hồi đất, về quyết định giá đất… chưa được thực hiện tốt tại một số địa phương; phân cấp thẩm quyền trong quản lý đất đai giữa Trung ương và địa phương còn bất cập, tồn tại do còn chưa thống nhất với phân cấp thẩm quyền của các ngành lĩnh vực khác (như thẩm quyền giao, cho thuê khu vực biển; giao, cho thuê rừng…).
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều vướng mắc, chưa được kịp thời tháo gỡ, một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa đúng quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, gây thất thoát ngân sách nhà nước…
Và còn nhiều, rất nhiều vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo khác, khó có thể kể hết.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán)