Với các khó khăn về vốn chưa được giải ngân và những khúc mắc còn tồn đọng, nếu tình hình còn kéo dài, chủ đầu tư dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành cho biết sẽ xem xét trả dự án lại cho Nhà nước.
Tại buổi làm việc mới đây giữa Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), Tổng giám đốc VEC Trần Văn Tám đã nêu những khó khăn của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Khó khăn chồng chất
Thông tin trên trang web chính thức của mình về cuộc họp giữa VEC và CMSC ngày 14-5, lãnh đạo VEC báo cáo: Nếu vấn đề về vốn của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành không được kịp thời giải quyết thì thiệt hại sẽ rất lớn. VEC không có tiền trả nợ cho phần vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã được giải ngân trong thời gian qua do dự án chưa đưa vào vận hành. “Tình hình này nếu tiếp tục kéo dài, tổng giám đốc sẽ trình hội đồng thành viên và báo cáo các cơ quan liên quan xem xét trả lại dự án cho Nhà nước” – thông tin trên trang web của VEC nêu rõ.
Theo VEC, do thời gian thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đã kết thúc từ ngày 30-6-2019 và chưa được gia hạn, dẫn đến các gói thầu đoạn phía tây sử dụng khoản vay ADB lần một (2730-VIE) và các gói thầu JICA tài trợ đã hết thời gian thi công theo hợp đồng nhưng chưa thể gia hạn. Các gói thầu đoạn phía đông sử dụng khoản vay lần hai không thể giải ngân dù đang trong thời gian thực hiện hợp đồng, hiệp định vay.
Nhà tài trợ là ADB đã thông báo chấm dứt khoản vay lần một nên chưa bố trí được nguồn vốn để tiếp tục giải ngân cho khối lượng còn lại của các gói thầu đoạn phía tây. Do vậy, VEC phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh sang sử dụng nguồn vốn từ khoản vay lần hai (3391-VIE) và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để tiếp tục giải ngân cho các gói thầu ADB (đã được ADB đồng thuận về chủ trương). Trong trường hợp thủ tục gia hạn khoản vay lần hai và đề xuất gia hạn Hiệp định Tài trợ khung (MFF) gửi đến chậm trễ, ADB sẽ không thể thực hiện hồi tố thủ tục để gia hạn, khi đó nguồn vốn ADB của dự án sẽ không còn (tương tự như đã xảy ra đối với khoản vay lần một).
“Trường hợp này, VEC sẽ phải báo cáo Chính phủ, các bộ, ủy ban để tìm kiếm nguồn vốn khác tiếp tục thực hiện đầu tư hoàn thành dự án, việc này là rất khó khăn trong điều kiện thực tế hiện nay của VEC” – thông tin trên trang web của VEC nêu.
Để tháo gỡ một phần khó khăn về nguồn vốn, VEC đã đề xuất cho phép tạm sử dụng nguồn thu phí chưa đến kỳ trả nợ để thanh toán cho nhà thầu phần khối lượng đã thi công cũng như ứng kinh phí cho các địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng trong điều kiện nguồn vốn ngân sách chưa được cấp phát. Tuy nhiên, phương án này không được chấp thuận…
Cố gắng khắc phục khó khăn
Tại cuộc họp này, VEC cho biết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, thực hiện đầu tư dự án, quản lý vận hành khai thác các tuyến đường cao tốc… đều đã được VEC nhiều lần báo cáo CMSC, các bộ, ngành, Chính phủ… Tuy nhiên, nhiều vấn đề tồn tại hiện vẫn chưa được giải quyết, trong đó có vấn đề nội tại của VEC… Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐTV VEC Mai Tuấn Anh cũng quan ngại những vướng mắc của các dự án nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ dẫn đến khiếu kiện của các nhà thầu nước ngoài.
Trao đổi với PV chiều 20-5, ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Tổng giám đốc VEC, cho biết đúng là phương án vốn của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đang rất khó khăn. “Các khó khăn về vốn của dự án vẫn còn tồn tại và chưa giải quyết được và hiện tại vẫn đang chờ Thủ tướng quyết định. Chúng tôi cũng đang cố gắng hết sức và cũng chưa nghĩ đến phương án trả lại cho Nhà nước” – ông Bình nói.
Chia sẻ với VEC, Phó Chủ tịch CMSC Nguyễn Thị Phú Hà cho biết các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết của VEC (gia hạn hiệp định, bố trí vốn…) đã được báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, đối với một số công việc thuộc thẩm quyền của VEC (như công tác bảo trì, bảo dưỡng…), VEC cần tổ chức triển khai thực hiện sao cho tốt nhất, nhanh nhất, giảm thiểu việc đối mặt với các vấn đề pháp lý trong tương lai. Điều kiện tiên quyết là phải triển khai thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật – bà Hà nêu rõ quan điểm.
Nói về việc xem xét trả lại dự án, TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho biết trước đây cũng đã có nhiều dự án giao thông vướng các vấn đề không thể giải quyết, chủ đầu tư cũng muốn trả lại dự án cho Nhà nước. Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc trả lại dự án sẽ gặp nhiều hệ lụy và rất phức tạp trong khâu điều hành, chủ đầu tư mới sẽ tiếp nhận, bàn giao như thế nào, rồi các công việc đang tiến hành dở dang của các đơn vị thi công cũ sẽ được giải quyết ra sao. “Đó là một bài toán không dễ giải quyết” – ông Hùng khẳng định.
Đây là công trình quan trọng, nằm trong hệ thống đường cao tốc Bắc-Nam. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ giúp giao thông giữa các tỉnh Tây và Đông Nam bộ không phải qua trung tâm của TP.HCM, rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng. Nếu nguồn vốn được bố trí, giải phóng mặt bằng thuận lợi thì dự kiến năm 2022 cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ đi vào hoạt động.
Ngày 19-2, do vướng mặt bằng và vốn xây lắp nên nhiều gói thầu trên cao tốc Bến Lức – Long Thành có nguy cơ dừng thi công.
Ngày 26-3, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc tháo gỡ khó khăn dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng ban hành nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.