Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp…
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2 với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ, thực chất, hiệu quả, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp.
Đáng chú ý, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thúc đẩy tăng trưởng.
Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với cơ cấu hợp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó là chỉ đạo các tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước phải có các giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường khác; điều hành tỷ giá phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Cơ quan này cũng cần tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới; tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 3 này.
Cũng tại nghị định này, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, giảm giá đầu ra nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, nhất là từ thương mại điện tử, nền tảng số, dịch vụ ăn uống, cửa hàng bán lẻ…; tăng cường chống thất thu; triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách.
Ngoài ra, Bộ này được giao khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp, người dân áp dụng cho năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo Chính phủ trước ngày 15/3.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn tất việc nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tổng thể về cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2023.
Đặc biệt, Bộ Tài chính có trách nhiệm, khẩn trương xây dựng Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 để báo cáo Chính phủ, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Trong tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, với mức tăng trung bình 9-10%, thấp hơn so với năm 2022.
Cụ thể, theo danh sách Bộ phận Nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán VnDirect vừa tiết lộ tại báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng, có 11 ngân hàng được cấp room tín dụng trong đợt này.
Trong đó, MSB đạt được hạn mức tốt nhất trong số các ngân hàng (13,5%), nguyên nhân chủ yếu do hệ số LDR thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác.
Các ngân hàng khác được cấp room là HDBank (11%), ACB (9,8%), Vietcombank (9,8%), VIB (9,5%), Techcombank (9,5%), TPBank (9,1%), VPBank (9%), MB (9%), BIDV (8,3%), LienVietPostBank (8%).
Tổng Hợp
(Dân Trí, Dân Việt)