Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, một số nước xuất khẩu gạo lớn gặp khó khăn trong khi một số nước gia tăng nhu cầu nhập khẩu gạo. Do đó, nếu không có sự quản lý, để cho thị trường tự do thì dẫn tới tình trạng tư thương mua vét, xuất khẩu vì quyền lợi trước mắt.
Sáng 21/4, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến các biện pháp đối với giá thịt lợn, giá lương thực…
Cuộc họp nhằm đánh giá kết quả công tác điều hành giá quý I và định hướng công tác điều hành giá quý II, cũng như các tháng còn lại của năm 2020.
Về giá lương thực, trong đó có giá gạo, Thủ tướng nói rõ tại sao có chủ trương xuất khẩu có kiểm soát. Bởi, một số nước xuất khẩu gạo lớn gặp khó khăn trong khi một số nước gia tăng nhu cầu nhập khẩu gạo. Do đó, nếu không có sự quản lý, để cho thị trường tự do thì dẫn tới tình trạng tư thương mua vét, xuất khẩu vì quyền lợi trước mắt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nhắc lại câu chuyện người dân từng đổ xô đi mua tích trữ gạo (sau khi công bố ca nhiễm 17), Thủ tướng cho rằng, khi đó, nếu không cơ số dự trữ thì không thể ổn định tình hình. Do đó, cần có biện pháp quản lý giá lương thực trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của nông dân trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, không để xảy ra tình trạng khan hiếm lương thực.
“Đẩy mạnh xuất khẩu, đúng. Tự do lưu thông, càng đúng hơn. Nhưng dự trữ Nhà nước, dự trữ trong dân, gối đầu vụ rất quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến việc dự trữ gạo, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giao chỉ tiêu kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) phải mua 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia. Để thực hiện kế hoạch, Tổng cục DTNN đã tổ chức đấu thầu để mua gạo dự trữ.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Tổng cục DTNN mới ký hợp đồng mua được 7.700 tấn gạo do sau khi đấu thầu đã xảy ra tình trạng các doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng không thực hiện bán gạo cho cục DTNN.
Cụ thể, trong tổng số 190.000 tấn gạo kế hoạch đấu thầu có 12.000 tấn không có nhà thầu trúng thầu; 178.000 tấn gạo có nhà thầu trúng thầu nhưng mới chỉ ký được hợp đồng 7.700 tấn gạo. Số lượng gạo các nhà thầu từ chối ký hợp đồng là 170.300 tấn gạo.
Để thực hiện nhiệm vụ mua đủ số lượng gạo theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, Tổng cục DTNN đã báo cáo Bộ Tài chính cho tổ chức đấu thầu lại đối với số lượng 182.300 tấn gạo để bảo đảm đủ chỉ tiêu 190.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia.
Dự kiến trong tháng 5/2020, Tổng cục DTNN sẽ hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo cho dự trữ; dự kiến thời gian kết thúc nhập kho trong tháng 6/2020.
Để xử lý sự việc nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng để xảy ra tình trạng vỡ kế hoạch mua gạo dự trự quốc gia, Tổng cục DTNN giao nhiệm vụ cho các Cục DTNN khu vực theo thẩm quyền phân cấp để xử lý các nhà thầu đã trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng theo đúng quy định của Luật Đấu thầu.