Thủ tục làm dự án nhà ở thương mại tại TP. HCM quy trình mới không khác so với quy trình cũ. Điều doanh nghiệp cần là rút ngắn thời gian làm thủ tục.
Theo Sở Xây dựng TP. HCM, 5 bước thực hiện dự án nhà ở thương mại gồm: Bước 1 – Lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; Bước 2 – Trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; Bước 3 – Lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Bước 4 – Xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất; Bước 5 – Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cấp Giấy phép xây dựng và triển khai xây dựng (so với quy trình cũ thì 2 bước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và bước chấp thuận đầu tư, cấp Giấy phép xây dựng được gộp lại thành bước 5).
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết, quy trình vừa được Sở Xây dựng TP. HCM đề xuất vẫn làm mất thời gian khi giải quyết thủ tục hành chính. Do đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện quy trình theo hướng tăng tốc độ giải quyết cho doanh nghiệp.
Cụ thể, ông Lê Hoàng Châu đưa ra giải pháp, nên đổi bước 4 xuống, đưa bước 5 lên trước. Bởi khâu giải quyết ở bước 4 là khâu mất thời gian nhất, làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
“Khi nộp tiền sử dụng đất ở bước 4 thì doanh nghiệp bị “chôn vốn”, chi phí đầu tư, chi phí lãi vay, chi phí quản lý tăng lên, dẫn đến giá nhà tăng mà cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu. Doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất khi chưa thi công xây dựng, từ lúc san lấp mặt bằng đến thời điểm đủ điều kiện huy động vốn thì doanh nghiệp chịu không nổi”, ông Lê Hoàng Châu cho hay.
Giải thích rõ hơn vì sao bước nộp tiền sử dụng đất lại mất thời gian nhất, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Việt An Hòa cho biết, việc nộp tiền sử dụng đất xác định số tiền nộp theo phương pháp thặng dư (giá trị bất động sản cần xác định bằng giá trị ước tính của sự phát triển bất động sản đó trong tương lai, trừ đi tất cả chi phí tạo dựng sự phát triển đó). Tuy nhiên, phương pháp này mang tính chủ quan, tùy thuộc lớn vào đơn vị định giá. Theo ông Quang, điều cần làm không phải giảm đi 1, 2 bước trong quy trình, mà quan trọng là rút ngắn thời gian giải quyết từng bước. Để làm được điều này thì phải có giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông thủ tục giữa các sở ngành.
“Qua áp dụng công nghệ thông tin sẽ công khai việc giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp biết là sở, ngành nào chậm trễ trong việc này. Nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ lên rồi cứ thông báo miệng, phải đợi họp thì doanh nghiệp rất bị động. Cứ công khai trong bao nhiêu ngày phải giải quyết, nếu quá ngày mà không có văn bản trả lời thì xem như thông qua”, ông Trần Khánh Quang nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành cho rằng, thực chất thì quy trình mới không khác so với quy trình cũ. Để tránh kéo dài thời gian làm thủ tục, đề xuất cho doanh nghiệp thực hiện song song bước 4 và cả bước 5, không cần chờ hoàn thiện lần lượt vì thẩm quyền giải quyết thuộc về hai sở khác nhau (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng). Trên hết, doanh nghiệp lâu nay vẫn phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy định, chứ không giảm đi được thủ tục nào. Do đó điểm quan trọng là các sở ngành tăng tốc độ giải quyết thủ tục.
“Vấn đề không phải quy trình 5 bước hay 6 bước, vấn đề là tổng thời gian giải quyết từng bước này trong bao lâu mới là điều các doanh nghiệp đang quan tâm. Làm sao để rút ngắn thời gian giải quyết các bước đó sớm nhất, ví dụ bình thường làm 30 tháng thì bây giờ chỉ làm 18 tháng”, ông Lê Hữu Nghĩa nói.
Rõ ràng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi làm thủ tục thực hiện dự án, các sở, ngành của TP. HCM cần thúc đẩy nhanh hơn khâu giải quyết từng thủ tục, giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng khi đầu tư xây dựng./