Những thông tin quy hoạch mới và việc một số “đại bàng” đề xuất các dự án khủng tại huyện Cam Lâm đã khiến đất đai khu vực này “nóng” lên sau thời gian giãn cách. Cùng với đó là sự xuất hiện của hàng loạt dự án “ma”.
Phân lô bán nền tràn lan
Huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) không chỉ được biết đến là thủ phủ resort khi có tới 40 dự án du lịch nghỉ dưỡng và các khu đô thị lớn tại Khu du lịch Bãi Dài mà còn được mệnh danh là thủ phủ phân lô bán nền với vô số dự án “ma”.
Cam Lâm với lợi thế địa hình sở hữu bãi biển dài hơn 10 km với các resort 5 sao đang triển khai cùng đầm Thủy Triều hướng thẳng ra vịnh Cam Ranh; cạnh đó là sân bay quốc tế Cam Ranh đã được các cò đất, các sàn giao dịch bất động sản “dựa hơi” thổi giá đất, vẽ dự án.
Cụ thể, thời gian qua, nhiều dự án xuất hiện với những cái tên hoành tráng như Cam Lâm Future, Cam Lâm Sky Lake, Cam Lâm Daimond; Cam Đức New Town, Cam Lâm Riverside,… nhằm thu hút các nhà đầu tư. Song, tất cả các dự án nêu trên đều dự án “ma”, được quảng cáo “một tất đến trời”.
Theo tìm hiểu, nhiều lô đất trước đây là đìa nuôi trồng thủy sản hoặc các vườn cây lâu năm đã được các công ty môi giới vẽ theo dạng dự án cách sân bay quốc tế Cam Ranh và các resort tại Bãi Dài vài km.
Hay dự án sở hữu địa thế đất có một không hai, tọa sơn hướng thủy,… mang lại nhiều tài lộc cho chủ nhân nằm trên đường quy hoạch 30m,… và được chào bán với mức giá từ 10 triệu/m2 đến gần 20 triệu đồng/m2.
Từ một khu đất nông nghiệp được nâng cấp thành đất ở, đi kèm thêm cây xanh, taluy, vỉa hè,… một số đơn vị và cá nhân đã phân lô bán nền rầm rộ từ giai đoạn 2018 đến nay. Mỗi dự án như này thường có diện tích từ hơn 1.000 m2 đến vài nghìn m2 với 10 đến hơn 20 nền.
Trao đổi với người viết, ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch huyện Cam Lâm cho biết, trên địa bàn không có các dự án có tên Cam Lâm Sky Lake, Cam Lâm Central Park,…
“Hiện Kiểm toán Nhà nước, đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với địa phương về vấn đề phân lô bán nền và UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo các sở ngành và địa phương xử lý các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, hiện chưa có kết luận chính thức nên địa phương chưa thể tiến hành xử lý các vi phạm trên”, ông Bảo cho hay.
“Nóng” theo quy hoạch và dự án mới
Khi cơn sốt đất tại Cam Lâm vẫn chưa bớt nóng thì mới đây, địa phương này lại tiếp tục xuất hiện đợt “sóng” mới.
Cụ thể, trước thông tin Cam Lâm được nghiên cứu điều chỉnh mục tiêu phát triển của huyện theo định hướng trở thành vùng đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và kết nối quốc tế nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn đưa huyện Cam Lâm trở thành cực tăng trưởng mới khu vực vịnh Cam Ranh, kết nối TP Cam Ranh và TP Nha Trang.
Đồng thời, địa phương này được Tỉnh ủy Khánh Hòa hướng quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bố trí quỹ đất để đầu tư phát triển vùng đô thị mới mang tầm khu vực và quốc tế, trung tâm thương mại quốc tế, các khu du lịch và giải trí lớn, hạ tầng và dịch vụ logistics…; tập trung chú trọng xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách có đẳng cấp, thương hiệu trong và ngoài nước.
Hay ngay trong tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho phép một số tập đoàn lớn đề xuất đầu tư nhiều dự án với quy mô hàng nghìn ha tại Cam Lâm đã khiến đất đai tại khu vực này “nóng” hơn bao giờ hết.
Theo một môi giới lâu tên Tuấn, trước các thông tin về dự án và quy hoạch mới, giá đất nền Cam Lâm đã có dấu hiệu tăng so với trước đây.
“Một số nhà đầu tư tại Hà Nội đã gọi điện cho chúng tôi khi các các thông tin về quy hoạch và dự án mới được các phương tiện truyền thông đăng tải. Họ đợi các chuyến bay mở lại là vào ngay để xem đất và xuống cọc”, người này cho biết.
Trao đổi với người viết, ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Khánh Hòa (KAREB) cho biết, các chiêu trò phổ biến nhất hiện nay của các sàn môi giới bất động sản là lợi dụng thông tin xúc tiến đầu tư của các tập đoàn lớn sắp triển khai dự án vào địa phương để tạo sóng bán hàng.
“Bài học sốt đất ảo diễn ra vào đầu năm 2021 tại huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu xuất phát bởi sự thổi phồng của giới cò đất từ việc một tập đoàn lớn nghiên cứu đầu tư tại địa phương. Người mua hầu hết “mắc cạn” trong khi dự án thì vẫn còn chờ nghiên cứu thêm. Trong khi đó, dòng tiền đã chạy vào túi nhóm đầu cơ và nhóm này đã mang tiền đi nơi khác hoạt động”, ông Hoàng cho hay.
Cũng theo Tổng Thư ký KAREB, nếu là dự án chính thống các nền đất phân lô phải được triển khai theo mô hình dự án nằm trong quy hoạch, được chính quyền địa phương chấp nhận, chủ đầu tư phải hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính.
Đồng thời, dự án phải đáp ứng các điều kiện khác theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản và nhà ở.
“Ngoài ra, chủ đầu tư phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt.
Dự án cũng phải đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở, đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải…”, vị này nhấn mạnh.
Kỳ 2: Thủ phủ phân lô tại Khánh Hòa: Cẩn trọng nguy cơ trắng tay của nhà đầu tư F0
Khải An
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết