Trước thông tin phản ánh về trách nhiệm của sàn kinh doanh thương mại điện tử trong việc khai và nộp thuế thay mặt cho cá nhân kinh doanh qua sàn theo Thông tư số 40. Nhiều sàn thương mại điện tử than phiền và gặp nhiều vấn đề trong cơ chế quản lý.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đưa ra lý lẽ sàn giao dịch thương mại điện tử không phải là đơn vị “trả thu nhập”, mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, giúp họ thực hiện giao dịch. Vì vậy, không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định.
Tại điểm đ, khoản 1, Điều 8 Thông 40 quy định: “Tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế. Trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật, như họ tên; số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; email; số điện thoại liên lạc; hàng hóa, dịch vụ cung cấp; doanh thu kinh doanh; tài khoản ngân hàng của người bán; thông tin khác liên quan”. Sự ra đời của Thông tư 40 trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam được ghi nhận có sự tăng trưởng cao, tới 15% trong năm 2020, đạt quy mô 13,2 tỷ USD vô cùng ấn tượng, cao nhất Đông Nam Á. Đồng thời, thuộc những quốc gia có mức phát triển thương mại điện tử cao nhất thế giới. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đang trở thành cơ hội “vàng” cho sự phát triển của các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, một số quy định trong thông tư chưa có tính khả thi cao và có thể gây ra nhiều tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của các sàn thương mại điện tử, cũng như hàng trăm nghìn cá nhân kinh doanh trên sàn. Trong đó, sàn thương mại điện tử sẽ phát sinh thêm chi phí và phải bổ sung nguồn lực lớn nếu thực hiện quy định này. Ngoài ra, Luật thuế thu nhập cá nhân quy định các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tự kê khai, khấu trừ, nộp thuế. Luật quản lý thuế cũng quy định cá nhân kinh doanh phải tự kê khai và nộp thuế tại nơi họ đặt địa điểm kinh doanh.
Kinh doanh qua các nền tảng thương mại điện tử tạo ra doanh thu “khổng lồ”, nhưng nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật Việt Nam. Dù vậy, các ý kiến cho rằng, quy định của Thông tư cần được xem xét kỹ lưỡng và có thể cần được điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế.
Trong thông báo phát đi chiều ngày 25/6, Tổng cục Thuế khẳng định Thông tư 40 được ban hành nhằm tạo điều kiện cho người nộp thuế, theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, cá nhân kinh doanh phát sinh nghĩa vụ được tự kê khai nộp thuế, hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức kê khai, nộp thuế thay. Tổng cục Thuế tổ chức lấy ý kiến Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam và các sàn giao dịch thương mại điện tử, đề nghị Hiệp Hội và các Sàn thương mại điện tử tham gia đóng góp ý kiến. Trong trường hợp có ý kiến khác về lộ trình dự kiến nêu trên, đề nghị Hiệp Hội có đề xuất cụ thể và gửi Tổng cục Thuế, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, chậm nhất trước ngày 03/7/2021.
Nghị định 52 ngày 16/05/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử, không đề cập đến trách nhiệm các sàn phải kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán. Khoản 7, Điều 27 Nghị định 52 cũng nêu rõ người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Thông tư ngay khi được ban hành đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, khiến các sàn thương mại điện tử “bất an”.
Tĩnh Kiên